"Điều quan trọng là những người có nhu cầu cao nhất phải được tiêm chủng. Tôi sẽ không ngần ngại tiêm vaccine, nhưng cũng muốn làm gương", ông Biden phát biểu trong cuộc họp báo ngày 16/11.
Cùng ngày, hãng dược Moderna công bố dữ liệu sơ bộ thử nghiệm giai đoạn 3. Theo đó, vaccine của hãng có hiệu quả ngăn ngừa Covid-19 tới 94,5%. Trước đó, Pfizer công bố vaccine hãng hợp tác sản xuất với BioNTech hiệu quả 90%.
"Tôi nghĩ chúng ta đang đi theo một định hướng rõ ràng. Nó rõ ràng với cả cộng đồng quốc tế, các nhà lãnh đạo và giới khoa học đã tập trung vào hai loại vaccine. Chúng dường như đã sẵn sàng cho thời điểm quan trọng, sẵn sàng đưa vào sử dụng. Nếu mọi thứ diễn ra theo định hướng đó, tôi không ngại dùng vaccine", ông Biden khẳng định.
Song nhiều chuyên gia cảnh báo vaccine không phải "liều thuốc tiên" đưa cuộc sống của con người trở lại bình thường ngay lập tức. Tiến sĩ Anthony Fauci, Viện trưởng Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, khuyến cáo người dân vẫn đeo khẩu trang và tiến hành giãn cách xã hội ngay cả sau khi tiêm chủng.
Ông Fauci cho biết dù cảm thấy tự tin với độ hiệu quả của vaccine, hiện chưa rõ tác dụng của nó đối với từng nhóm đối tượng cụ thể ra sao. Khoảng 5-10% số người được tiêm chủng vẫn có thể nhiễm virus.
Với tình hình chung ở Mỹ, Joe Biden cảnh báo sẽ có thêm nhiều ca tử vong vì Covid-19 nếu chính quyền Tổng thống Donald Trump không bắt đầu phối hợp với nhóm của ông, lên kế hoạch tiêm chủng cho hơn 300 triệu người. "Nếu phải đợi đến ngày 20/1 để triển khai, chúng ta sẽ chậm trễ hơn một tháng rưỡi. Vì vậy, cần có sự phối hợp ngay bây giờ", Joe Biden nói.
Thế giới có khoảng hơn 100 loại vaccine đang được phát triển. 12 ứng viên đã tiến đến thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối. Trong đó, Mỹ sở hữu hai vaccine có độ hiệu quả cao nhất, vượt xa tiêu chuẩn của cơ quan quản lý trong nước và cả Tổ chức Y tế Thế giới. Các ứng viên còn lại thuộc về Nga, Đức, Anh, Trung Quốc và Ấn Độ.
Thục Linh (Theo CNBC)