- "Hầm hơi" tới 10 năm, rồi đột nhiên anh tuyên bố quay lại sân khấu ca nhạc trong thời buổi sự cạnh tranh diễn ra gay gắt hơn. Vì sao vậy?
- Trước hết, xin đừng gọi tôi là Jimmii Nguyễn nữa. Tôi muốn quên cái tên này đi bởi vì cái tên này mà có người từng coi tôi là "thịt ba rọi". Và thật sự, bản thân tôi cũng muốn lần này trở lại sân khấu ca nhạc mình phải lột xác. Còn cái tên Việt Nguyễn, 10 năm trước anh Lưu Trọng Văn đã đặt cho tôi rồi, bây giờ lấy lại mà thôi. Tại sao sau 10 năm tôi mới ca hát lại ư? Là vì tôi thấy thời điểm này cả nước đang hân hoan trước vận hội mới, nhiều ca sĩ hải ngoại cũng về Việt Nam biểu diễn nên tôi háo hức góp ngọn gió mới mát lành trên sân khấu ca nhạc.
![]() |
Ca sĩ Jimmii Nguyễn. Ảnh: nhacso. |
- Mười năm ẩn mình, anh nghiệm ra điều gì để lần trở lại này sẽ chinh phục nhiều khán giả hơn?
- 10 năm đó có những cay đắng thất vọng và cả những hy vọng chợt lóe lên trong cuộc sống của tôi. Hỉ, nộ, ái, ố tôi đã nếm đủ và nhận ra chân lý mà ông cha ta đã nói: "Nhập gia tùy tục". Sự tồn tại của tôi và sự thành bại của tôi phụ thuộc vào khán giả, vậy nên tôi phải thuộc lòng câu nói này.
- Anh nói mình "nhập gia tùy tục", nhưng có khá nhiều người không thích chuyện anh đeo kính và quấn khăn trên đầu khi hát, sao anh không thay đổi?
- Đó chỉ là một số người thôi. Phần lớn khán thính giả đến nghe tôi hát là nghe giọng ca của tôi chứ đâu phải vì chiếc khăn hay đôi kính. Bằng chứng là gần đây có những chương trình tôi biểu diễn ở các quán bar vào giờ chót, có rất nhiều khán giả vẫn đợi để nghe. Hóa ra công chúng vẫn không quên tôi và vẫn tôn trọng phong cách riêng của tôi đấy chứ.
- Vậy, sự góp sức của Jimmii band đối với sự trở lại của anh thì sao?
- Dĩ nhiên là có sự cộng hưởng rồi. Tuy nhiên tôi phải là linh hồn của ban nhạc thì mới có thể kéo anh em đẩy âm nhạc thăng hoa. Thật sự, mỗi lần biểu diễn tôi mới là người kiểm soát được tình cảm của khán giả, nên tôi phải đóng vai trò đạo diễn để anh em tung hoành khớp với những gì diễn ra trên sân khấu và tâm lý, tình cảm của họ. Nếu mọi người biết được tôi chấp nhận đi xe thồ, ăn mỳ gói và chia sẻ ngọt bùi với anh em để ban nhạc được "sống" với tôi 3 năm nay, sẽ thấy được giá trị của những gì mà tôi và anh em ban nhạc đã, đang làm.
- Có lần anh phát biểu: sống ở nước ngoài mình như con vịt bơi giữa bầy thiên nga. Sao anh lại tỏ ra hằn học và tự ti thế?
- Tôi không hằn học, tự ti gì cả, nhưng từng sống ở hải ngoại nhiều năm nên tôi thấm thía sự lạc loài. Dù mình có mang quốc tịch Mỹ, họ cũng cho mình là dân di cư, dân tộc thiểu số. Người nghệ sĩ thì càng thấy lạc loài hơn. Không đâu bằng quê hương mình. Nếu bạn bị cha mẹ đánh đòn thì cũng dễ chịu hơn, vì cha mẹ bạn muốn bạn nên người. Còn người khác, họ đánh bạn là vì họ ghét bạn. Sống trên đất mẹ cũng vậy, có chịu roi vọt cũng là vì họ muốn bạn nên người. Thật sự tôi thấy ấm áp hơn rất nhiều khi sống ở Việt Nam.
- Có một lần anh hát cho cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nghe bài hát "Nỗi niềm kẻ ở miền xa", nhạc sĩ đã khóc. Nhiều người nghĩ khi đó anh "nói dóc". Sự thật thế nào?
- Tôi không mắc gì phải dựng chuyện như thế để đánh bóng mình. Đó là sự thật và có nhân chứng hẳn hoi. Có một dịp tôi đến thăm anh Sơn cùng với anh Trần Tiến. Anh Trần Tiến giới thiệu tôi với anh Sơn và yêu cầu tôi hát bài Nỗi niềm kẻ ở miền xa để anh Sơn nghe. Khi nghe anh Sơn đã khóc và nói với mọi người rằng: "Thằng này được". Câu nói đó làm tôi vô cùng xúc động. Còn anh Tiến nheo nheo con mắt nói với tôi: "Jimmii đã làm cho cây đại thụ khóc". Đó là kỷ niệm tôi không bao giờ quên.
(Theo Thanh Niên Tuần San)