- Chào ông Thibaudet. Ông cảm thấy thế nào trong lần đầu tiên đến Việt Nam? (Son Nguyen, 29 tuổi, Trannguyenson_88@gmail.Com)
- Tôi rất thích, tôi đã có khoảng thời gian vô cùng thú vị ở đây. Tôi dành 4 ngày ở Sài Gòn và bây giờ đang có mặt tại đây với các bạn. Mọi người rất thân thiện với tôi, thức ăn thì ngon.
- 5 tuổi ông đã biểu diễn piano trước công chúng. Ông có nhớ rõ lần đầu tiên đó không? (Nguyetlinh, 25 tuổi, Hoacomaynho@yahoo.Com.Vn)
- Có chứ. Tôi muốn làm điều đó vì mình, chứ không phải bố mẹ ép tôi. Tôi thích piano và tôi theo đuổi niềm đam mê, tôi hạnh phúc vì có người hâm mộ riêng.
- Tôi rất yêu piano, tôi đã xem bộ phim "The pianist" (Nghệ sĩ dương cầm) và phần nào hiểu được thế nào là một con người sống cho âm nhạc, cho nghệ thuật. Tôi muốn hỏi ông, để thành công trong nghệ thuật và âm nhạc ông đã phải trải qua điều gì đau khổ, khó khăn nhất? (Nguyễn Vũ Huy, 25 tuổi, Huytit@gmail.Com)
- Trước hết tôi phải nói bộ phim Nghệ sĩ dương cầm không hoàn toàn phản ánh cuộc sống của những người chơi piano, nó quá buồn. Trong cuộc sống, tôi không phải trải qua đau khổ mà chỉ phải vượt qua khó khăn và chấp nhận hy sinh mà thôi. Những nghệ sĩ như tôi di chuyển rất nhiều, đôi khi phải bỏ qua một số sở thích cá nhân, nhưng đau khổ thì không. Tôi luôn cảm ơn cuộc sống đã mang đến cho tôi sự nghiệp ngày hôm nay.
- Ông có thể giới thiệu một chút về những nhạc phẩm mà ông sẽ biểu diễn tại Việt Nam? (Hà Vân, 25 tuổi, Havan@yahoo.Com)
- Tôi sẽ chơi các bản nhạc của Schumann và Ravel, là hai trường phái đối lập nhau. Tôi hy vọng tạo ra sự khác biệt khi chọn 2 trường phái khác nhau để biểu diễn. Schumann là người Đức, một nghệ sĩ theo trường phái lãng mạn, sâu sắc. Còn Ravel là người Pháp, một người lịch thiệp và đa dạng.
- Ông có biết nghệ sĩ piano nổi tiếng của Việt Nam là Đặng Thái Sơn không? Ông đánh giá như thế nào về anh ấy? (Phong Lan, 40 tuổi, Hoangchilandd@gmail.Com)
- Tôi biết tên nghệ sĩ này, nhưng đáng tiếc là chưa bao giờ gặp anh ấy cả.
- Đây là lần đầu tiên ông biểu diễn ở Việt Nam, vậy ông mong muốn những điều gì ở khán thính giả Việt Nam, đặc biệt là những người trẻ tuổi? (Nguyễn Hằng Ngân, 26 tuổi, Hà Nội)
- Tôi hy vọng họ sẽ thích buổi biểu diễn của tôi, mong họ hiểu và nhớ những kỷ niệm khi tôi biểu diễn.
- Ông có đến dự lễ trao giải Oscar năm vừa rồi không? Ông cảm thấy thế nào khi bản nhạc của mình được đề cử giải Oscar? Trước lễ trao giải, ông đánh giá thế nào về khả năng thắng giải của bộ phim "Kiêu hãnh và định kiến"? (Chu Huong, 29 tuổi, Matdem-99@yahoo.Co.Uk)
- Tôi đã tới dự giải Oscar. Đây là một lễ hội điện ảnh tuyệt vời. Tôi nghĩ bản nhạc tuyệt đẹp, hoàn toàn phù hợp với bộ phim. Khi được đề cử, ai cũng có quyền hy vọng. Tôi cũng vậy, nhưng không dám chắc mình có chiến thắng không. Được đề cử đã là một hân hạnh lớn rồi. Đó là một kỷ niệm đáng nhớ. Tôi cũng tới dự bữa tiệc sau lễ trao giải nữa.
- Say mê đàn piano từ nhỏ, kỷ niệm nào đáng nhớ nhất của ông đối với cây đàn này? (Pham Thi Luyen, 23 tuổi, Girlalwayssmile@yahoo.Com)
- Nếu hỏi về kỷ niệm đáng nhớ nhất thì đó lần đầu tiên tôi chơi nhạc với dàn nhạc giao hưởng tại một nhà hát ở Paris, năm tôi 11 tuổi. Đó là một khán phòng lớn tới nỗi khiến tôi choáng ngợp. Dàn nhạc hoành tráng, ở ngay cạnh tôi và chơi cùng tôi. Lần đầu tiên luôn là lần duy nhất, nó đã để lại trong tôi quá nhiều ấn tượng khiến cho tới ngày hôm nay, tôi cũng không thể quên.
- Nếu bị đày ra một hoang đảo, ông sẽ mang theo cái gì? Liệu có phải là một chiếc đàn piano không? (Van Hiep, 21 tuổi, Vanthihiep11a@gmail.Com)
- Chắc chắn rồi, tôi sẽ mang theo cây đàn piano. Nhưng nếu chỉ được mang theo một thứ thì sẽ khó chọn đấy, vì tôi nghĩ cuộc sống trên hoang đảo rất khó khăn. Tôi hy vọng sẽ được mang thêm một vài thứ nữa.
- Tôi thấy ông rất đẹp, một vẻ đẹp của người đàn ông giàu tình cảm và từng trải, cho nên tôi nghĩ rằng ông sẽ được rất nhiều phụ nữ mến mộ. Vậy ông có tin là tình yêu chỉ có một và người ta có thể yêu một người nào đó cả đời không? (Fuji Fuji, 33 tuổi, Hà nội)
- Tôi nghĩ tình yêu là khi người ta tìm thấy người bạn thực sự tri kỷ. Tôi dùng từ "tri kỷ" để nói rằng, họ có thể chia sẻ với nhau tất cả những đam mê, khó khăn cuộc sống, nghĩa là hiểu nhau hoàn toàn. Với ý nghĩa đó, tình yêu chỉ dành cho một người. Và với định nghĩa hoàn hảo như vậy, tôi nghĩ có lẽ tìm kiếm cả đời cũng khó thấy.
Tôi cũng muốn nói thêm, cũng nhiều người đôi khi may mắn tìm được hạnh phúc thực sự của mình sau nhiều lần đổ vỡ. Và nếu tìm được, thì đó chính là sự hoàn hảo.
- Ông cho biết ý kiến của ông khi có người nói Sài Gòn là Paris của châu Á? (Quốc Linh, 25 tuổi, Hà Nội)
- Tôi ngạc nhiên vì cảnh vật của Sài Gòn. Tuy nhiên, ở đó không còn nhiều tòa nhà cổ như tôi nghĩ. Ở HN còn nhiều nhà cổ hơn. Sài Gòn là một thành phố tuyệt vời, cuộc sống nhộn nhịp và tuyệt đẹp. Cuộc sống ở đó đông đúc và nhiều xe cộ. Tôi đã trải qua một quãng thời gian tuyệt vời ở đó.
- Theo ông, với một nghệ sĩ piano, năng khiếu bẩm sinh hay việc được học đàng hoàng ở một trường danh tiếng quan trọng hơn? (N.N., 26 tuổi, Ngocnguyen_nhacvien@gmail.Com)
- Tôi cho rằng, luôn cần có một vài điều kiện cần để trở thành nghệ sĩ dương cầm giỏi. Năng khiếu là không thể thiếu, ngoài việc được đào tạo. Tuy nhiên, học ở trường danh tiếng cũng chưa chắc đã là tốt. Khi còn nhỏ, giáo viên dạy đàn cho tôi chỉ là một người phụ nữ bình thường, không có tiếng tăm và dạy ở một ngôi trường nhỏ. Chỉ như vậy, nhưng tôi đã học được ở bà rất nhiều điều. Cùng với những điều kiện trên, kỷ luật nghiêm ngặt cũng rất cần thiết.
- Lần đầu tiên đến Việt Nam, ông cảm nhận như thế nào về những người phụ nữ ở đất nước chúng tôi? (Natali, 22 tuổi, Ha noi)
- Họ rất đẹp, thực sự duyên dáng và có nụ cười đẹp. Ở họ có sự tự tôn rất quý phái. Có những bà, những cô chỉ đi xe đạp thôi, nhưng ở họ luôn toát lên vẻ sang trọng.
- Chào ông, trong sự nghiệp của mình ông đã gặp nhiều thất bại chưa, thất bại nào là lớn nhất? (Quang Hoà, 36 tuổi, Hoapq1972@yahoo.Com)
- Tôi cho rằng ai cũng có lần thất bại. Cũng có lần tôi lựa chọn nhầm bản nhạc để biểu diễn. Ai cũng có lúc mắc sai lầm mà. Tôi chưa từng có thất bại nào lớn để ảnh hưởng xấu đến sự nghiệp.
- Ông có thể kể về gia đình mình, gia đình và người thân đã tiếp sức cho ông như thế nào trong âm nhạc? (Hằng Trang, 20 tuổi, Viet nam)
- Tôi luôn cảm ơn bố mẹ. Họ là người đầu tiên tiếp sức cho sự nghiệp âm nhạc của tôi, vì chính họ mới quyết định tôi có thể trở thành nhạc công chuyên nghiệp hay không. Bố mẹ tôi cũng là những người chơi nhạc tuy chỉ là nghiệp dư, nhưng sự ủng hộ đáng quý ấy đã cho tôi nhiều sức mạnh để có ngày hôm nay.
Trong gia đình còn có chị gái, hơn tôi 1 tuổi. Chị ấy phải chịu khá nhiều áp lực khi tình cảm gia đình thường tập trung vào tôi, bởi mọi người luôn nghĩ tôi là thần đồng. Tuy nhiên, chị ấy đã không hề khó chịu mà đã hết sức ủng hộ, đứng bên tôi và chứng kiến những bước phát triển. Đó là những người thân mà với tôi, họ luôn chiếm vị trí quan trọng.
- Chương trình đến Việt Nam lần này là do Hennessy tài trợ với chi phí tổ chức rất cao, nhưng cũng chỉ có thể có một đêm biểu diễn và vé đi xem thì quá khó khăn. Ông có bao giờ nghĩ đến việc biểu diễn miễn phí khi có điều kiện không? (Nguyen Thi Ngoc Hanh, 25 tuổi, Eyes2eyes1971@yahoo.Com)
- Đây là một câu hỏi hay, cũng là vấn đề lớn trong sự nghiệp và công việc của tôi. Đáng tiếc là còn phải chú ý đến yếu tố kinh doanh nữa. Chúng tôi phải chi nhiều cho khán phòng, cho đàn, cho dàn nhạc... vì vậy phải bán vé để trang trải chi phí. Trên thế giới, chúng tôi thường tìm nhà tài trợ. Lần này tôi có Công ty Hennessy và tôi cũng bớt được một phần gánh nặng. Chúng tôi cũng tặng vé cho nhiều tổ chức nên chắc là không có đủ vé cho tất cả các khán giả tới dự.
Lần này Ban tổ chức đặt màn hình lớn bên ngoài Nhà hát Lớn, để khán giả không có vé vẫn có thể thưởng thức buổi biểu diễn của tôi. Chương trình còn được truyền hình trực tiếp trên truyền hình quốc gia. Như vậy hay hơn chương trình miễn phí, vì có nhiều người được xem hơn. Đôi khi tôi dành một số vé giảm giá cho khán giả trẻ.
- Theo tôi nghĩ, để "bắt" được những sắc màu, hình ảnh và ngôn ngữ thực của âm nhạc cổ điển thì phải tìm hiểu hơn nữa về nhạc và phải nghe nhiều. Theo ông thì nên bắt đầu như thế nào và quá trình ra sao đối với một thính giả bình thường để có thể gần hơn với nhạc cổ điển? (Ngohung, 30 tuổi, Hanoi)
- Tôi không nghĩ người ta phải tìm hiểu hay học hành gì nhiều mới cảm thụ được âm nhạc cổ điển. Có những người chỉ nghe lần đầu tiên đã thích ngay, bản thân tôi cũng vậy. Tất nhiên trong quá trình học hỏi, bạn sẽ biết được nhiều hơn về thể loại nhạc này, nhưng nó không phải là điều kiện tiên quyết để quyết định người ta có thể thích nhạc cổ điển hay không. Nhạc cổ điển cũng giống như pop hay rock, nhiều khi nghe một lần đã thấy thích rồi.
- Ông là một nghệ sĩ nổi tiếng, vậy thần tượng của ông là ai vậy? (Minh, 24 tuổi, Ha noi)
- Khi còn trẻ, tôi thần tượng Arthur Rubinstein, một nghệ sĩ Ba Lan. Ông rất nổi tiếng và đi khắp nơi trên thế giới. Ông sống chủ yếu là ở Paris. Tôi quý trọng ông không chỉ vì ông là nghệ sĩ tài năng mà còn là người hào phóng, luôn sống vui vẻ và hạnh phúc. Ông ấy là một người tuyệt vời.
- Ông thích biểu diễn bản nhạc nào nhất? Và ông yêu thích nhất nhà soạn nhạc nào? (Son Nguyen, 29 tuổi, Trannguyenson_88@gmail.Com)
- Tôi không thể liệt kê hết được. Tôi thích rất nhiều nhà soạn nhạc. Đây thật sự là câu hỏi khó. Tôi có thể kể một số nhé: Brahms, Schumann, Chopin, Liszt, Debussy và Ravel.
Tôi luôn thích những bản nhạc trong lúc tôi biểu diễn. Lúc đó tôi sống với bản nhạc và chắc chắn đó là bản nhạc tôi yêu thích nhất.
- Theo ông, điểm khác biệt giữa âm nhạc phương Đông và phương Tây, giữa phụ nữ phương Đông và phụ nữ phương Tây là gì? (Vân Hà, 25 tuổi, Viet nam)
- Tôi đồng ý là âm nhạc phương Tây và phương Đông có nhiều sự khác biệt, nhưng cũng khá nhiều điểm tương đồng vì âm nhạc có mối liên hệ ảnh hưởng lẫn nhau. Tôi không phải là chuyên gia nhạc phương Đông nên khó nói gì nhiều. Nhưng âm nhạc phương Đông thường chơi trên chất liệu Á Đông, vì thế chắc chắn là khác với nhạc phương Tây rồi.
Về phụ nữ, tôi nghĩ dưới những nền văn hóa khác nhau thì sẽ khác nhau, tất nhiên ngoại hình cũng không thể giống rồi. Nhưng họ vẫn có điểm chung, đó là ở đâu cũng có những người phụ nữ rất đẹp và rất tốt.
- Ông từng đi biểu diễn ở những quốc gia nào, và nơi đâu đã để lại cho ông nhiều ấn tượng nhất? (Minh Nguyen, 35 tuổi, Hà Nội)
- Khó nói quá. Tôi thích Mỹ, nơi tôi từng sống. Ngoài ra còn Pháp - quê hương tôi. Italy, một đất nước tuyệt vời. Tôi thích các nước châu Á nữa. Đây là châu lục để lại ấn tượng tuyệt vời đối với tôi.
- Theo kinh nghiệm của ông, nếu yêu thích âm nhạc thì người ta có thể học để chơi piano hoặc violon ở tuổi 30 được không? (Duc Minh, 20 tuổi, Hanoi)
- Có chứ. Các bạn có thể bắt đầu vào độ tuổi nào cũng được. Cũng giống như bạn tập đi xe đạp vậy, không có khác biệt lắm. Có thể muộn để nổi tiếng, nhưng âm nhạc sẽ mang lại cho các bạn niềm vui, như một người bạn tốt vậy.
- Đằng sau thành công của một người đàn ông là bóng dáng của một người phụ nữ. Vậy đằng sau những thành công của ông là ai? (Hải Anh, 25 tuổi, Hà Nội)
- Cảm ơn bạn vì câu hỏi khá hay. Với nghệ sĩ, cảm hứng luôn là điều quan trọng, nó tạo động lực để phát triển. Cho dù nhạc sĩ, họa sĩ hay gì đi nữa, với họ yêu và được yêu cũng giống như khi được chắp cánh để thăng hoa.
Tình yêu là động lực rất trong nghệ thuật. Nhưng để tìm được một ai đó đứng sau thành công thì thật khó, bởi ở mỗi giai đoạn con người lại có những niềm đam mê khác. Vì thế, để nói cụ thể người duy nhất nào đó ảnh hưởng tới sự nghiệp của tôi thì khó.
- Cảm nhận của ông về cuộc phỏng vấn trực tuyến này? Ông muốn tâm sự điều gì với những độc giả không may mắn được trò chuyện trực tuyến với ông? (Hoài Nam, 25 tuổi, Hà Nội)
- Tôi nghĩ đây là kinh nghiệm thú vị với tôi và đó cũng là một minh chứng sự tiên tiến của công nghệ. Ngày nay, công chúng không còn coi nghệ sĩ là quá xa vời nữa. Họ luôn muốn biết đằng sau sự nghiệp, cuộc sống của chúng tôi như thế nào. Đó là mối dây liên hệ rất thân thiết giữa khán giả và nghệ sĩ. Tôi xin lỗi vì không thể trả lời hết câu hỏi của độc giả, và xin cảm ơn sự quan tâm của các bạn với tôi.
Tôi cũng mong được gặp các bạn vào tối thứ 6, ngày 26/5 tới đây, tại Nhà hát Lớn. Khán giả Hà Nội có thể trực tiếp nghe tiếng đàn của tôi, còn khán giả ở xa vẫn có thể thưởng thức qua truyền hình. Cảm ơn và hẹn gặp lại.