Phong trào JDM dần phát triển ở Việt Nam, với những chiếc xe được phục chế lại, ví dụ Nissan GT-R R35, Subaru WRX STi, Toyota Supra, Mitsubishi Lancer Evolution, Honda S2000, Mazda RX-Series... thậm chí huyền thoại JDM Toyota AE86 duy nhất một chiếc. Cộng đồng JDM dần thành hình.
Mitsubishi Lancer Evolution VIII trong một buổi tụ tập ở Sài Gòn. |
JDM được viết tắt bởi từ Japanese Domestic Market, một thuật ngữ dùng để chỉ các mặt hàng tiêu dùng nội địa Nhật Bản, nhưng được sử dụng nhiều nhất khi đề cập đến xe hơi và linh kiện sản xuất riêng cho thị trường Nhật Bản.
JDM dần trở thành một khái niệm dành cho dân chơi xe, chứ không phải những mẫu xe phổ thông. Trường phái này giống như xe cơ bắp Mỹ (muscle car) hay xe hiệu suất cao (performance) ở châu Âu.
Hình thành từ những năm 70, dần dần phong trào JDM được biết đến nhiều hơn cho tới thời kì hoàng kim những năm 90. Lúc này, những mẫu xe chạy điện chưa được phát triển, vì vậy các hãng xe của Nhật đã nghiên cứu và sản xuất những sản phẩm có hiệu năng cao nhất, trở thành văn hóa và tinh hoa của ngành cơ khí Nhật Bản.
Khi ấy, kinh tế của "đất nước mặt trời mọc" đang trong đà tăng trưởng, thu nhập bình quân của mỗi người dân đều được tăng cao. Điều đó giúp các chủ xe không còn quá quan tâm tới cách sử dụng và bảo dưỡng sao cho chiếc xe bền bỉ theo năm tháng, thay vào đó họ luôn hướng tới những phương pháp nâng cao tối đa hiệu năng.
Toyota, Honda, Mazda, Mitsubishi, Nissan và Subaru đều là những cái tên tiêu biểu trong văn hóa JDM. Tuy không có sức mạnh nổi bật hay thiết kế bắt mắt như những mẫu xe của Mỹ và châu Âu, nhưng với thiết kế truyền thống của mỗi hãng, đồng thời đây cũng là một văn hóa đường phố và những cải tiến không ngừng trong lĩnh vực công nghệ cơ khí xe hơi. Điều này khẳng định rằng, JDM là nền văn hóa có tầm ảnh hưởng lớn trong ngành công nghiệp ô tô trên toàn cầu.
Toyota Supra (màu đen bên trái) và Acura NSX (màu xanh bên phải). |
Một trong những người đi đầu trong việc phổ biến thuật ngữ này tới khắp nơi trên thế giới là Jonathan Wong, biên tập viên của tạp chí Super Street với chiếc JDM Honda Civic Si đời 1990. Trước đó, anh có thời gian làm trong tạp chí Eurotuner. Tới khi tiếp quản Super Street, anh thuê rất nhiều ứng cử viên đủ điều kiện, những người biết nhiều về thế giới JDM nhằm lan tỏa định nghĩa về văn hóa này.
Tại Việt Nam, JDM chưa được phổ biến rộng rãi, bởi lượng người chơi xe còn khá ít, bên cạnh đó luật cấm nhập xe cũ có tuổi đời quá 5 năm. Phần lớn người hâm mộ Việt biết văn hóa này qua những series phim đua xe đường phố như "Fast and Furious", qua bài hát "Tokyo Drift" hay trò chơi điện tử Need For Speed (1994).
Hầu hết các xe JDM tại Việt Nam, đã có từ trước đây hoặc mới được nhập khẩu qua đại lý tư nhân, do chủ cũ để ngoài trời, điều kiện thời tiết thất thường, không được bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên nên dẫn đến hỏng hóc, tróc sơn, mốc. Nay được người chủ mới tiêu tốn hàng trăm cho tới hàng tỉ đồng cho việc sửa chữa, nâng cấp, thêm những món đồ như bodykit, la-zăng, cánh gió.
Minh Quân
Ảnh: Huy Minh