Jason Bourne là phần năm của loạt phim về điệp viên cùng tên - vốn được ca ngợi là đỉnh cao từ khi lên màn ảnh năm 2002. Tập mới ra mắt bốn năm sau phần bốn (The Bourne Legacy) và chín năm sau phần ba (The Bourne Ultimatum).
Jason Bourne tái xuất cùng bóng hồng Thụy Điển - Alicia Vikander. |
Trong tập này, Alicia Vikander là nhân tố mới và gây bất ngờ nhất, hơn cả điệp viên Bourne của Matt Damon. Bóng hồng Thụy Điển vào vai tình báo viên CIA - Heather Lee - giỏi công nghệ. Ở đầu phim, cô xuất hiện khá mờ nhạt, chỉ như một con tốt biết vâng lời cấp trên là Giám đốc tình báo CIA (Tommy Lee Jones đóng). Cô được giao theo dõi để trừ khử Jason Bourne bởi sếp cô nhận định Bourne là mối họa cho tổ chức tình báo Mỹ. Bất ngờ ở giữa phim, nữ tình báo gây chú ý khi làm chủ bản thân và có nhiều phán đoán, hành động táo bạo. Cô bất tuân sếp và tìm cách hoạt động riêng. Cuối cùng, nhân vật làm những điều khó lường và gây sửng sốt với toàn bộ thành viên còn lại.
Vào vai nhân vật được xây dựng lắt léo với nhiều thay đổi tâm lý, mỹ nhân sinh năm 1988 chinh phục người xem ở lối diễn xuất tự nhiên và tập trung cao độ. Vẻ mặt cương nghị, ánh mắt sắc sảo, cách đi đứng thanh thoát mà cẩn trọng của người đẹp Thụy Điển khiến người xem tin vào một nữ điệp viên tưởng chừng yếu ớt nhưng có thể "lật đổ cả thế giới". Vai diễn mới nối tiếp thành công vai người vợ vị tha trong Cô gái Đan Mạch - từng mang về cho Vikander giải Oscar "Nữ diễn viên phụ xuất sắc" - và vai người máy robot khôn ngoan trong phim độc lập gây sốt 2015 - Ex Machina.
Nhân vật của Alicia Vikander gây bất ngờ hơn cả điệp viên Bourne. |
Nếu như Alicia Vikander tạo điểm nhấn cho tập mới, Matt Damon gây ấn tượng ở những cảnh diễn nội tâm hơn là hành động. Trong phần này, Jason Bourne không còn là chàng sát thủ mất trí bị dày vò về danh tính bản thân trong hành trình tìm lại con người mình. Giờ đây, Bourne đã nhớ lại hoàn toàn mình là ai và đến từ đâu. Cốt truyện mới bắt đầu khi Bourne đang sống ẩn dật và làm nghề đấm bốc thuê ở một vùng núi hẻo lánh bên rìa thế giới. Bất ngờ một ngày, người đồng sự cũ - Nicky - tìm đến và tiết lộ một phần về cái chết của cha anh ngày xưa. Giữa tình hình nhiều xáo trộn của giới điệp viên toàn cầu sau vụ rò rỉ thông tin tình báo Mỹ, Bourne xuất hiện và gây thêm mối nguy cho tổ chức CIA.
Trở lại vai biểu tượng ở tuổi 46, Matt Damon gây thuyết phục trong các cảnh mô tả tâm lý - vốn là thế mạnh của tài tử hai lần đoạt giải Oscar. Phim có vài phân đoạn Bourne bộc lộ sự đau đớn và dày vò khi chứng kiến người đồng sự yêu anh chết trước mặt. Biểu cảm khuôn mặt của Matt Damon ở những lúc lột tả nội tâm nhân vật giàu cảm xúc và chân thực nên khiến người xem thấy rõ được chân dung một điệp viên gần gũi chứ không hào nhoáng và xa cách như James Bond. Ngược lại, các pha hành động đánh đấm và chạy đuổi không thực sự đẹp mắt bởi Matt Damon đã già. Đây có lẽ là lần cuối Matt Damon làm Bourne trước khi anh chia tay loạt phim ăn khách.
Dưới bàn tay nhà làm phim 60 tuổi người Anh - Paul Greengrass, nửa đầu phim tỏ ra "xoắn não" người xem với nhiều cảnh đấu trí và hành động bài bản. Dàn cảnh hoành tráng trong các đại cảnh đông người như cảnh biểu tình ở quảng trường Hy Lạp làm tăng độ chân thực cho câu chuyện. Những pha đánh đấm cũng chân thực bởi hạn chế công nghệ vi tính - vốn là đặc sản từ phần gốc năm 2002 - cũng được phô diễn. Ở các pha cận chiến, thay vì dùng công nghệ đặc biệt hay độc lạ như James Bond, Jason Bourne tận dụng mọi vật liệu có sẵn xung quanh như sợi dây thừng, chân bàn hay bất kỳ vật dụng khác trong nhà.
Phim xây dựng trường đoạn rượt đuổi xe hơi ấn tượng. Trong đó, Jason Bourne dùng xe nhỏ để đuổi theo tay sai của kẻ phản diện chính - do tài tử Vincent Cassel đến từ Pháp thủ vai. Trường đoạn này khiến người yêu thích loạt phim Bourne nhớ lại cảnh rượt xe kinh điển ở Moscow trong tập The Bourne Supremacy. Ngoài ra, phân đoạn Bourne đi bộ và theo dõi đối tượng cùng lúc bị CIA theo dõi cũng gợi lại cảnh dạo bộ và truy đuổi kinh điển trong phim The French Connection.
Một pha rượt đuổi xe hơi mãn nhãn. |
Tuy nhiên, phần phim mới có điểm trừ ở kịch bản vì khuôn sáo và không có gì đột phá so với một tác phẩm điệp viên. Nếu ở ba phần trước, cốt truyện liền mạch khi kể chàng sát thủ kiêm điệp viên mất trí day dứt đi tìm danh tính bản thân và hành động bất cần, thì lần này Bourne có phần nhạt hơn vì đã già và hiểu rõ mọi chuyện. Về cuối, kịch bản lỏng và các pha hành động cũng nhạt dần. Phim không có gì đặc sắc hơn những tác phẩm điệp viên khác để có thể bứt phá và giữ được phong độ của loạt phim vốn được người hâm mộ yêu mến.
Jason Bourne (Siêu điệp viên Jason Bourne) ra mắt ở Bắc Mỹ và Việt Nam từ 29/7. Phim có thể mở ra chương mới hoặc tạo đà cho các phần phim ăn theo.
>> Xem thêm: