Tác giả chọn Phần Lan, Nhật Bản, Chile, Indonesia, Đức, Australia và Mỹ vì ông từng sinh sống ở những quốc gia này. Sách có tên gốc tiếng Anh là Upheaval: How Nations Cope with Crisis and Change, được viết từ trải nghiệm cá nhân kết hợp kiến thức lịch sử, địa lý.
Sau khi trải qua biến cố, các đất nước thường tìm thấy hướng đi mới, tốt hơn so với dự định. Tác giả đề ra ba loại: biến cố do ảnh hưởng từ bên ngoài, biến cố bùng phát bên trong quốc gia và biến cố hình thành trong thời gian dài. Với loại đầu tiên, ông dẫn chứng Nhật Bản trong chương ba. Sau khi bị bắt ký hiệp ước hàng hải với Mỹ năm 1853, đất nước mở cửa thông thương, gián tiếp làm sụp đổ sự cai trị của Mạc phủ. Biến cố này cải cách đất nước, giúp Nhật Bản ngày nay trở thành quốc gia công nghiệp hóa.
Diamond áp dụng nguyên tắc vượt qua khủng hoảng của cá nhân vào cách quốc gia vượt qua biến động. Về mặt tâm lý học, cá nhân xử lý khủng hoảng dựa trên mười hai nhân tố, tóm gọn thành: chấp nhận khủng hoảng, tìm hướng giải quyết, học từ quá khứ, đánh giá lại bản thân, linh hoạt và nhờ hỗ trợ bên ngoài. Tương tự với việc con người suy xét lại ý nghĩa bản thân, một quốc gia phải biết mình theo đuổi những giá trị cốt lõi nào.
Gần cuối sách, Diamond khái quát những bất ổn tại Mỹ và trên thế giới. Các quốc gia đối mặt chiến tranh vũ khí hạt nhân, bất bình đẳng giới và thay đổi khí hậu toàn cầu. Ông đề cập cường quốc phải giải quyết vấn nạn như nhà nước giảm đầu tư vào công trình công cộng, dịch chuyển kinh tế - xã hội không đáng kể và sự thiếu hợp lý trong hệ thống bầu cử. Con người đang sống trong thời kỳ nguy hiểm và có thể trở nên tệ hơn nếu chính phủ không thay đổi. Ông viết: "Chile - một nước dân chủ lâu đời, sau cuộc đảo chính 1973, rơi vào ách độc tài của tướng Pinoche vì sự phân cực chính trị, thiếu thỏa hiệp giữa các đảng phái. Điều tương tự có xảy ra ở Mỹ?".
Theo Guardian tháng 5/2019, tác giả cũng có những suy nghĩ tích cực về hiện tại. Diamond ấn tượng với Công ước Ngăn ngừa ô nhiễm Tàu thủy được Tổ chức Hàng hải Quốc tế ban hành năm 1973. Ông đề xuất rút kinh nghiệm từ biến cố quá khứ để xử lý khó khăn, nhưng hiện tại các quốc gia thiếu sự đoàn kết để áp dụng hiệu quả các nhân tố.
Jared Diamond (sinh năm 1937) là nhà khoa học Mỹ, chuyên lĩnh vực địa lý, lịch sử, chính trị. Tác phẩm kinh điển của ông - Súng, vi trùng và thép được trao giải Pulitzer năm 1997. Các đầu sách tiêu biểu khác là Sụp đổ (2005), Thế giới cho đến ngày hôm qua (2012). Biến động đánh dấu sự tái xuất của ông sau bảy năm vắng bóng. Yuval Noah Harari, tác giả Lược sử loài người, đánh giá tác phẩm là "Một trải nghiệm hấp dẫn và khai sáng cách các quốc gia xử lý biến cố".
Quỳnh Quyên