Giống nhiều người dân Jakarta, Irnawati mất tới 4 giờ mỗi ngày di chuyển bằng ôtô để đi làm nhưng giờ đây, cô và hàng triệu người khác có thể mất ít thời gian hơn khi hệ thống giao thông đại chúng tốc độ cao (MRT) đầu tiên ở thủ đô khai trương.
Hôm 24/3, Jakarta khánh thành dự án MRT trị giá 1,1 tỷ USD. Đây được coi là lời giải cho bài toán ách tắc giao thông tại thành phố tắc đường nhất thế giới. Đối với Irnawati, hệ thống MRT mới giúp cô di chuyển dễ dàng hơn từ thủ đô về ngôi nhà ở ngoại ô.
Chán cảnh sống trong tắc đường, cô buộc thuê nhà gần chỗ làm trong suốt tuần, để tránh phải đối mặt với cảnh đi lại suốt nhiều giờ đồng hồ ở đô thị 30 triệu dân.
"Tôi không thể đợi đến khi MRT đi vào hoạt động", người phụ nữ 36 tuổi nói. "Thuê nhà giúp tôi tiết kiệm thời gian và tiền bạc, việc đi lại cũng thuận tiện và an toàn hơn".
Trong thập niên qua, thu nhập ở quốc gia 260 triệu dân này tăng lên, tạo ra một tầng lớp trung lưu và số phương tiện sở hữu tư nhân tăng vọt. Nhưng nó cũng khiến không khí ngày càng ô nhiễm, gây tổn thất hàng tỷ USD vì xe hơi đi lại chậm chạp trên đường trong cái nóng nhiệt đới ẩm ướt, bên cạnh một hệ thống xe buýt lạc hậu.
Tuyến MRT dài 16 km nối từ Khách sạn Indonesia ở trung tâm thành phố tới phía nam Jakarta hoàn thiện sau gần 6 năm thuộc dự án do nhà thầu Nhật Bản thi công. Nó sẽ giảm thời gian di chuyển giữa hai điểm từ 120 phút còn 30 phút.
Việc xây dựng tuyến thứ hai nối trung tâm thành phố với cảng phía bắc Jakarta đã khởi động hôm 24/3, sẽ hoàn thành năm 2024. Nhiều tuyến đường nữa sẽ mở thêm trong tương lai. Một mạng lưới đường sắt trên cao có tên Quả Sầu riêng Lớn cũng đang xây dựng ở Jakarta sẽ liên kết các thành phố vệ tinh với thủ đô.
Các dự án giao thông công cộng là một phần trong nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng mà Tổng thống Joko Widodo hy vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế của Indonesia, đồng thời giúp ông tái đắc cử trong cuộc tổng tuyển cử tháng tới.
Nhưng các chuyên gia giao thông cảnh báo tuyến MRT mới giá rẻ không phải là phương thuốc hiệu nghiệm cho thành phố có rất ít vỉa hè đạt tiêu chuẩn và thiếu văn hóa sử dụng phương tiện thân thiện với môi trường.
"MRT sẽ không giảm lưu lượng giao thông ngay lập tức vì không dễ dàng thay đổi văn hóa và thái độ của người dân", Hendi Bowoputro, chuyên gia về giao thông công cộng ở đại học Brawijaya nói.
Dự kiến có 130.000 lượt khách sử dụng tuyến MRT mới, chiếm 10% số người phải chen chúc trên mạng lưới đường sắt lạc hậu hàng thập kỷ. Các chuyên gia cho rằng hạn chế sử dụng phương tiện cá nhân như tăng phí đỗ xe, mở rộng hệ thống biển số chẵn lẻ nhằm hạn chế ôtô vào một số ngày, có thể tạo ra thay đổi lâu dài.
Các chuyên gia môi trường hy vọng tuyến MRT mới sẽ cắt giảm một nửa lượng khí carbon do phương tiện giao thông xả ra môi trường. Đồng thời, nó có thể giúp giảm thiệt hại do ách tắc giao thông lên tới 4,6 tỷ USD mỗi năm cho chính phủ.
Khi tuyến MRT thứ hai hoàn thành, Jakarta sẽ giống những thành phố như Paris, nơi người dân dành một phần nhỏ thu nhập hàng tháng cho giao thông công cộng, tạo ra động lực mạnh để vứt bỏ phương tiện cá nhân, theo chuyên gia giao thông Djoko Setijowarno, đại học Soegijapranata.
"Nhưng để làm được điều này, mọi phương tiện giao thông công cộng cần liên kết chặt chẽ với các khu dân cư", Setijowarno nói.
Dù hy vọng rất cao vào dự án, nhưng ngay cả Irnawati cũng nghi ngờ mình sẽ tận dụng mạng lưới giao thông công cộng như thế nào.
"Có lẽ cuối cùng tôi sẽ trả một ít tiền xe ôm từ trạm cuối tới nhà", cô nói. "Nó sẽ hơi bất tiện, không thoải mái lắm, nhất là khi trời mưa".
Hồng Hạnh (Theo AFP)