Vào ngày 10/5, Alibaba tổ chức đám cưới tập thể cho hơn 100 nhân viên tại trụ sở chính ở Hàng Châu. Trong hôn lễ, Jack Ma đã đưa ra một quan điểm gây tranh cãi: "KPI đầu tiên của hôn nhân, chỉ số đầu tiên phải có kết quả, phải có sản phẩm, chính là sinh con".
Theo tỷ phú này, có con là một khoản đầu tư tốt hơn so với việc mua nhà hiện nay: "Hôn nhân không phải để mua nhà, không phải để mua xe mà là để có con, để tận hưởng một cuộc sống hạnh phúc bên nhau. Đứa trẻ là vô giá. Luôn phải nhớ rằng mọi thứ có thể là của người khác và tất cả có thể là giả. Chỉ có đứa con là chân thật. Phải có thêm con".
Có 15 triệu trẻ Trung Quốc sinh ra năm ngoái - đánh dấu tỷ lệ sinh thấp nhất kể từ năm 1961. Trong ba thập kỷ qua, Trung Quốc đã áp dụng chính sách một con. Dưới áp lực đội ngũ lao động bị thu hẹp và dân số già, Trung Quốc đã nới lỏng chính sách sinh đẻ vào năm 2016.
Tuy nhiên chính sách này không mang lại kết quả ngay lập tức. Nhiều cặp vợ chồng đã chọn không sinh con do những lo ngại giá nhà đất tăng và đầu tư giáo dục. Ở Trung Quốc, sở hữu một căn hộ thường được xem là điều kiện tiên quyết để kết hôn. Tại Hàng Châu, sân nhà của Alibaba, giá trung bình cho một căn hộ hai phòng ngủ là 500.000 đôla (11,6 tỷ đồng). Dân số già đang là thách thức với kinh tế Trung Quốc cũng như Alibaba, bởi cả hai đều phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng.
Ngoài đưa KPI cho nhân viên phải sinh thêm con, ông cũng đưa ra khái niệm 669 trong việc giữ gìn hạnh phúc gia đình. Con số này đề cập đến việc làm "chuyện ấy" 6 lần trong 6 ngày/tuần và kéo dài càng lâu càng tốt (số 9 đại diện của cuộc sống lâu dài của người Trung Quốc).
Quan điểm mới của Jack Ma tiếp tục gây ra làn sóng tranh cãi trên Weibo và Twitter Trung Quốc. Một bộ phận cho rằng hôn nhân không nhất thiết phải có con.
Cách đây không lâu, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc cũng gây ra làn sóng phản đối khi ủng hộ văn hoá làm việc 996, nghĩa là làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối trong sáu ngày/ tuần.
Bảo Nhiên (Theo Yahoo)