Trong bối cảnh khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, mỗi doanh nghiệp đều phải xoay xở, tìm cách đi cho riêng mình để có thể đứng vững và tăng trưởng. Ông Ben Anh - CEO ITL chia sẻ cùng VnExpress về cách doanh nghiệp logistics này vượt qua những thách thức trong năm 2023 cũng như chiến lược phát triển bền vững trong thời gian tới.
- 2023 là một năm khó khăn với nền kinh tế nói chung và ngành logistics nói riêng. ITL đối mặt với các vấn đề gì trong bối cảnh đó, thưa ông?
- Logistics có hai mảng, gồm xuất nhập khẩu và phục vụ tiêu dùng trong nước. Thông thường, các chỉ số tăng trưởng của xuất nhập khẩu cao gấp đôi chỉ số tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, năm vừa rồi, chỉ số xuất nhập khẩu của Việt Nam giảm rất nhiều, khoảng 6,6% so với năm trước.
Tiêu dùng trong nước trong năm qua không khả quan, trong khi chi phí tài chính cao. Đầu năm ngoái, lãi suất vẫn rất cao, đến quý IV lãi suất mới giảm.
Các doanh nghiệp logistics đều coi 2023 là một năm điều chỉnh. Điều này cũng công bằng, vì giai đoạn 2020-2022 ngành tăng trưởng khá tốt, thậm chí đột biến. Thị trường thường sẽ điều chỉnh sau thời kỳ tăng trưởng đột biến. Nhìn chung, 2023 là bức tranh tối màu với cả doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài. Doanh nghiệp càng lớn thì càng áp lực.
Bản thân ITL gặp áp lực về tăng trưởng, áp lực về tài chính (vì doanh nghiệp vay đầu tư trong giai đoạn phát triển) và áp lực về tối ưu hóa tài sản. Chúng tôi đầu tư nhiều về cơ sở hạ tầng trong hơn 4 năm qua. Khi nhu cầu thị trường giảm, đi kèm là tỷ lệ sử dụng tài sản từ kho bãi đến phương tiện đều giảm.
Tôi cùng ban lãnh đạo ITL nhìn nhận xung quanh đầy rẫy "nguy" nhưng phải tìm được "cơ" trong đấy. Chúng ta nên dành 30-40% thời gian để nghiên cứu các cơ hội phát triển ngay cả khi thị trường đi xuống. Chúng tôi điều hành doanh nghiệp theo chiến lược dài hạn nhưng cũng cần điều chỉnh hoạt động kinh doanh sao cho phù hợp với môi trường mới và đón các cơ hội nếu có.
- ITL đã "biến nguy thành cơ" như thế nào trong năm 2023?
- Năm vừa rồi gặp rất nhiều áp lực, nhưng như câu danh ngôn "cái gì không giết được ta sẽ khiến ta mạnh mẽ hơn", chúng tôi cũng chắt lọc được nhiều thứ.
Năm 2023 đã dạy bài học lớn về việc giữ chân khách hàng, đối tác và nhân viên, bởi đây là giai đoạn ai cũng muốn kéo "cái chăn" về phía mình. Khi khủng hoảng xảy ra, khách hàng phải điều chỉnh nhu cầu và cách kinh doanh. Họ ngay lập tức cắt giảm chi phí và sẽ tìm đối tác logistics cung cấp dịch vụ tốt và giá cạnh tranh nhất. Nếu mình không làm tốt, sẽ mất khách hàng hiện tại. Ngược lại, doanh nghiệp lớn có năng lực vượt trội có thể thêm khách hàng mới. Đó là về lý thuyết chung. Còn thực tế, đội ngũ kinh doanh theo sát khách hàng, hiểu được những khó khăn của họ nên tôi vẫn nói: hãy xem ITL có thể làm thêm gì cho khách mà không phát sinh chi phí.
Bài học giữ chân đội ngũ cũng rất quan trọng vì đây là lực lượng làm nên doanh nghiệp. Năm 2023, thế giới đúc kết 4 yếu tố dễ bị tổn thương: tài chính, nhân lực, công nợ và kinh doanh. Trong đó, tổn thương về lao động do lạm phát cao, thói quen làm việc ở nhà từ Covid-19. Để giúp người lao động tránh tổn thương, chúng tôi tăng lương. Tuy nhiên, giữ lao động không có nghĩa để người lao động làm như bình thường mà cũng tạo áp lực để tăng năng suất. Chi phí lao động là một phần của năng suất, nếu chi phí lao động tăng mà năng suất tăng nhiều hơn thì vẫn tốt hơn.
Giải thưởng "Nơi làm việc tốt nhất châu Á" 2022 do Tạp chí HR Asia trao tặng và "Top 100 Nơi làm việc tốt nhất Việt Nam" 2023 do Anphabe trao tặng là những ghi nhận cho chính sách nhân sự của chúng tôi, dù tất nhiên, chúng tôi chăm sóc nhân sự không phải vì giải thưởng.
Đặc biệt, theo đánh giá của Vietnam Report năm 2023, chúng tôi đã có 17 năm liên tiếp nằm trong "Top 500 Doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam" (VNR 500), 9 năm liên tiếp trong "Top 50 Doanh nghiệp xuất sắc Việt Nam", 5 năm trong "Top 10 Doanh nghiệp uy tín ngành Logistics" (trong đó 2 năm liên tiếp dẫn đầu 2022-2023).
Covid-19 đã dạy chúng tôi bài học và 2023 cũng dạy chúng tôi nhiều bài học giá trị. May mắn là trước 2023, ITL có đầu tư nhưng không quá vung tay nên vẫn còn nguồn lực để tiếp tục đầu tư trong năm 2024 đầy thách thức này. Nhiều doanh nghiệp trên thế giới trong giai đoạn lãi suất thấp, tỷ giá thấp đã thực hiện rất nhiều khoản vay. Khi thị trường bị sụt giảm, họ bị khó khăn kép, cả về nhu cầu, khách hàng lẫn tài chính.
Dù sao cũng cảm ơn khủng hoảng để chúng ta hiểu rằng không nên đặt quá nhiều tham vọng, không nên làm nhiều việc quá sức dẫn đến không đủ sức chống chọi những khó khăn do khủng khoảng gây ra. Đây cũng là cơ hội giúp chúng ta điều chỉnh các hoạt động kinh doanh để phát triển một cách bền vững, không vượt quá tầm kiểm soát của mình.
Tháng 10/2022, chúng tôi thống nhất đặt mục tiêu cho năm 2023 là năm "củng cố nội lực", hay nói dân dã là "đổ bê tông" vì biết trước năm này không có tăng trưởng. Chúng tôi tập trung tối ưu hóa tài sản sau thời gian tăng quá nóng, xây dựng đội ngũ mạnh mẽ hơn. Một trong những điểm lớn nhất mà ITL làm được trong 2023 là chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi lần thứ ba. Chúng tôi chọn năm khó khăn nhất để bắt đầu quá trình chuyển đổi với tinh thần "Hãy để cái khó bắt đầu trước, cái dễ đi theo sau".
- Tập đoàn đặt mục tiêu gì cho quá trình chuyển đổi lần thứ 3 này?
- ITL có văn hóa cứ 5 năm chuyển đổi một lần. Lần đầu là 2012, lần hai vào 2017 và đây là lần thứ ba. Ở lần chuyển đổi thứ hai, chúng tôi đặt mục tiêu trở thành công ty doanh thu 500 triệu USD và đã đạt trước kế hoạch 2 năm.
Ở lần chuyển đổi thứ ba này, chúng tôi đặt mục tiêu có doanh thu tỷ USD. Trong 5 năm, doanh thu tăng gấp đôi, có nghĩa một năm tăng trưởng khoảng 17-18%, nhanh hơn tốc độ của ngành một chút (hiện nay là 14-16% với những doanh nghiệp hoạt động tốt).
Tuy nhiên, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng bền vững, không phải một năm đạt mục tiêu rồi năm sau không đạt. Khi ITL lớn hơn thì giá trị doanh nghiệp mang lại cho khách hàng và ngành logistics Việt Nam cũng lớn hơn.
Theo lộ trình chuyển đổi, 2023 là thời gian "làm nháp". Năm 2024, chúng tôi mới bắt tay chuyển đổi thực sự. Theo đó, ITL tách ra 5 công ty thành viên, hoạt động sâu trong từng lĩnh vực: logistics hàng không, vận tải quốc tế, logistics nội địa, logistics cảng và logistics số (digital). Kế hoạch kinh doanh và đầu tư trong 5 năm của từng công ty đều rất rõ ràng.
Bên cạnh thay đổi mô hình kinh doanh, chúng tôi cũng xây dựng nền tảng cho sự phát triển. Đó là hệ sinh thái chia sẻ, bao gồm 3 yếu tố hạ tầng - công nghệ - con người.
ITL có những đầu tư bài bản về cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ sinh thái chia sẻ. Ví dụ, khi chúng tôi đầu tư trung tâm logistics ga Yên Viên (Hà Nội) thì nhiều đơn vị khác có thể sử dụng chung để lập tàu hàng xuyên biên giới với Trung Quốc và châu Âu. Mục đích cuối cùng của hệ thái chia sẻ chính là giảm chi phí logistics cho khách hàng.
Trong sử dụng công nghệ, tập đoàn coi đây là vũ khí để phát triển với cả công nghệ thuê, mua và tự xây dựng. Về con người, chúng tôi nâng cấp đội ngũ, hài hòa giữa thế hệ trẻ và thế hệ đi trước, sẵn sàng đáp ứng cho quá trình chuyển đổi.
- Yếu tố phát triển bền vững được ITL thể hiện như thế nào trong chiến lược kinh doanh, nguồn lực, môi trường?
- Trước đây, tôi vẫn nghĩ phát triển bền vững cần có lộ trình rõ ràng, bài bản. Tuy nhiên, trong cuộc nói chuyện với một đối tác gần đây, tôi đã thay đổi quan niệm: nếu mình không hướng tới phát triển bền vững thì mình có tồn tại hay không. ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) không còn là lựa chọn mà là yếu tố sống còn cho sự phát triển của doanh nghiệp. Các doanh nghiệp lớn đều yêu cầu đối tác đáp ứng tiêu chí ESG.
Để bảo vệ môi trường, ITL dần chuyển sang sử dụng các thiết bị tiết kiệm năng lượng, lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời tại các kho bãi. ITL đã đạt chứng chỉ Xanh cấp 3 (Label Leaf Level 3) của Hiệp hội Green Freight Asia (GFA) do áp dụng và thực hiện các chương trình phát triển bền vững trong vận tải hàng hóa xanh. Ngoài ra, tập đoàn cũng đầu tư mạnh vào xe đầu kéo có động cơ tiết kiệm nhiên liệu và đạt chuẩn khí thải Euro 4 nhằm bảo vệ môi trường.
Sắp tới chúng tôi sẽ phối hợp với một đối tác để tính toán các chỉ số liên quan đến carbon, tính mỗi hoạt động cụ thể giúp doanh nghiệp giảm được bao nhiêu lượng carbon phát thải ra môi trường.
- Qua 2024 tập đoàn kỷ niệm sinh nhật lần thứ 24, cũng là năm đầu tiên của hành trình chuyển đổi lần thứ ba, ITL đặt ra những mục tiêu và kế hoạch nào, khi mà nền kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều dự đoán khó khăn?
- Hội đồng quản trị ITL họp từ tháng 10/2023 và đưa ra đánh giá chung là kinh tế năm 2024 còn rất nhiều thách thức khi các chỉ số kinh tế thế giới không mang lại tín hiệu tốt. Các doanh nghiệp đều chuẩn bị phương án phòng thủ, kế hoạch đối phó với những rủi ro. Xây dựng phương án thiên về phòng thủ nhưng chúng tôi cũng chuẩn bị mọi nguồn lực để sẵn sàng nắm bắt cơ hội và "đón gió Đông", tiếp tục hành trình mang lại những giá trị lớn cho khách hàng và ngành logistics.
Có nhiều yếu tố giúp chúng tôi có được những cái nhìn lạc quan trong năm nay, như phân tích thị trường Việt Nam không hoàn toàn khó khăn, mối quan hệ của Việt Nam và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Trung Quốc, những nỗ lực của Chính phủ... Hơn nữa, thực tế, trong bối cảnh thị trường xấu vẫn có doanh nghiệp tốt, ngược lại thị trường tốt vẫn có doanh nghiệp xấu. Những gì cần đầu tư cho 5 năm chúng tôi vẫn thực hiện và luôn nhất quán. Năm nay, tất cả các nhà kinh tế học đều nói chi phí tài chính là điểm cần chú ý, nhưng không đầu tư sẽ mất động lực tăng trưởng.
Do đó, ITL sẽ tiếp tục đầu tư hơn 100 triệu USD để phát triển hạ tầng, con người, như mở rộng cảng phía Bắc lên 4 lần, tăng công suất kho lạnh gấp đôi, mở rộng diện tích kho bãi hơn 15%, tăng công suất sà lan ...
Trong mô hình hoạt động mới, chúng tôi hiểu dù kho đang hoạt động tốt nhưng vẫn nâng cấp, xe đang hoạt động tốt vẫn phải cải tiến để tốt hơn nữa.
ITL tiếp tục xây dựng hệ sinh thái mở, cho phép các doanh nghiệp nhỏ trong ngành cùng hưởng lợi. Hy vọng những mục tiêu này sẽ góp phần thúc đẩy cho sự phát triển của các doanh nghiệp cùng ngành, qua đó thúc đẩy ngành logistics Việt Nam ngày càng lớn mạnh.
Hoàng Anh