ĐTQG đoạt Cup vàng nhưng bóng đá Italy vẫn đối mặt với không ít thách thức. Ảnh: AP |
Khi hàng chục nghìn người tụ tập quanh tượng chàng David ở trung tâm thành Firenze, ăn mừng chức vô địch World Cup của ĐTQG, một nhóm tifosi vẫn tỏ ra thờ ơ với niềm vui chung đó. Họ lặng lẽ tiến về Trung tâm huấn luyện quốc gia Coverciano cách đó vài chục km và thể hiện sự quan tâm của mình theo cách mà ít ai ngờ nhất: dùng bình xịt sơn để ghi lên các bức tường ở đây những dòng chữ như "Rossi, ông là đồ con lừa", hay "Palazzi, hãy biến đi!". Hai cái tên này vốn chẳng xa lạ gì với đại bộ phận người Italy yêu bóng đá: Guido Rossi, Chủ tịch LĐBĐ Italy (FIGC) và Stefano Palazzi, Thẩm phán Tòa án thể thao Italy (CAF). Đây là những nhân vật cứng rắn nhất trong việc sẽ áp dụng hình phạt đánh tụt hạng, trừ điểm đối với Juve, Milan, Lazio và Fiorentina, 4 "ông lớn" nằm trong đường dây tiêu cực. Mà theo quan điểm của các tifosi, hình phạt này sẽ giết chết tương lai của làng bóng đá Italy. Nhưng phản ứng của những CĐV nói trên mới chỉ là phần nổi của "tảng băng chìm" - vô số những vấn đề đang ngày đêm làm nhức nhối nền bóng đá từng 4 lần vô địch thế giới.
Bóng đá Italy đang lâm "trọng bệnh"
Bất chấp thành công của ĐTQG ở mùa hè nước Đức, bóng đá Italy vẫn chìm trong khủng hoảng. Thoạt nghe có vẻ rất vô lý, nhưng thực tế đúng là như vậy. Lega Calcio (các giải bóng đá ở Italy) và chủ thể của nó là Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) đang trải qua một cơn ác mộng thực sự sau thời điểm vụ scandal dàn xếp tỷ số liên quan đến không ít quan chức cấp cao, trọng tài, trợ lý trọng tài và đặc biệt là một số CLB tiếng tăm.
Khởi đầu bằng việc Gazzetta dello Sports và Corriere della Sera (2 nhật báo thể thao hàng đầu Italy) đăng tải nội dung các cuộc điện đàm của "bố già" Moggi, cựu Tổng giám đốc Juve. Các công tố viên đã vạch trần bộ mặt thật của Franco Carraro, cựu chủ tịch FIGC và Adriano Galliani, cựu Trưởng ban tổ chức Lega Calcio. Bộ đôi này hoặc cố ý làm ngơ, hoặc trực tiếp nhúng tay vào quá trình thao túng các giải đấu, đặc biệt là Serie A, để làm lợi cho 2 đại gia Juve và Milan lắm tiền nhiều của. Kết quả điều tra còn đưa ra ánh sáng Lazio và Fiorentina, 2 đội khác thuộc Serie A, đã nhờ đến bàn tay của Moggi để lo lót suất trụ hạng cuối mùa giải 2004-2005.
Bóng đá Italy đang "dột từ nóc" bởi những cái bắt tay tiêu cực giữa Carraro (phải) và Galliani. Ảnh: RAI Sports |
Hiện tại, Juve, Milan, Lazio và Fiorentina cùng 25 quan chức(có cả Moggi, Carraro, Galliani), trọng tài, trợ lý trọng tài đang thấp thỏm chờ đợi những hình phạt nặng nề nhất từ CAF. Nếu 4 CLB kể trên phải nhận phán quyết xuống thi đấu ở Serie B hoặc Serie C1, chắc chắn sẽ có một làn sóng đào tẩu của 15 trong số 23 nhà vô địch thế giới người Italy (và 3 cầu thủ người Pháp - á quân thế giới). Bởi ngoài Inter, chẳng có CLB trong nước nào khác đủ sức trả những mức lương khổng lồ để giữ lại cho Serie A những Cannavaro, Zambrotta, Buffon, Pirlo, Gattuso hay Vieira, Thuram. Với tài năng của mình, họ chẳng mấy khó khăn tìm đến những chân trời mới như Real, Barca, MU... Vắng những ngôi sao đó, các đại diện của Serie A sẽ làm nên trò trống gì ở 2 Cup châu Âu trong mùa giải tới? Chẳng ai đủ can đảm trả lời.
Nguy cơ kiệt quệ về tài chính
Theo lẽ thường, không kể đến chức vô địch World Cup mà thày trò HLV Lippi vừa giành được ở Đức, tự bản thân Serie A đã là một trong ba giải đấu lớn, có sức hút thương mại bậc nhất hành tinh từ hơn một thập niên vừa qua. Ấy thế mà giờ đây, họ có thể không duy trì được vị thế đó. Nguyên nhân sâu xa cũng xuất phát từ chính vụ scandal dàn xếp tỷ số kể trên. Ngay sau trận chung kết Italy - Pháp ở Berlin, Piersilvio Berlusconi, người đứng đầu hãng truyền hình Mediaset, "trùm sò" nghành công nghiệp giải trí Italy và bao thầu quyền phát sóng các trận đấu ở Serie A, đã bắn một thông điệp tới FIGC: "Mediaset có quyền đơn phương kết thúc hợp đồng truyền hình và tạm ngưng việc giải ngân nếu FIGG và CAF cương quyết xử Juve, Milan và Fiorentina xuống hạng".
Không khó để nhận ra sự đe doạ ẩn trong thông điệp này bởi Piersilvio lại là con trai của Silvio Berlusconi, cựu thủ tướng, lãnh tụ của Forza Italy - chính đảng cực hữu lớn nhất ở đất nước hình chiếc ủng và là chủ sở hữu Milan. Gia đình nhà Berlusconi rõ ràng không muốn CLB của họ phải xuống hạng. Nếu Mediaset cắt đi "bầu sữa" truyền hình, cả Serie A có thể sẽ bị đổ vỡ tài chính và đi đến bờ vực phá sản.
Đấu đá nội bộ
Với sức mạnh truyền thông và ảnh hưởng chính trị, Berlusconi quyết không để Milan nhận phán quyết xuống hạng. Ảnh: RAI Sports |
Bên cạnh sức mạnh truyền thông, phía Berlusconi còn tiến hành vô số cuộc vận động hành lang để tranh thủ sự ủng hộ của nhiều nhân vật có tiếng trên chính trường trong cuộc chiến chống lại phán quyết của CAF. Mới đây không lâu, đích thân Tổng chưởng lý Clemente Mastella còn lên báo kêu gọi ân xá cho Juve vì đội ĐKVĐ Serie A đã đóng góp khá nhiều trụ cột cho tuyển Italy dự World Cup. Một cách gián tiếp, ông này đã lên tiếng bênh vực cho đội bóng của Ngài cựu thủ tướng bởi Milan cũng đóng góp ít nhất 2 vị trí chính thức (Pirlo và Gattuso) trong đội hình xuất phát mà HLV Lippi sử dụng ở Đức.
Nhưng phía FIGC và CAF không vì thế mà chùn tay. Chủ tịch Rossi và Thẩm phán Palazzi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối từ chính phủ của liên minh trung tả trong nỗ lực đẩy lùi bóng ma tiêu cực trong môn thể thao hàng đầu này. Đáp lại lời kêu gọi của Mastella, Bộ trưởng Thể thao Italy, bà Giovanna Melandri bày tỏ thái độ cương quyết: "Chính phủ Italy sẽ không ủng hộ bất cứ mối liên hệ nào giữa thành công của ĐTQG với quá trình xét xử vụ gian lận thể thao".
Nguy cơ cấm vận từ FIFA
Thẩm phán Stefano Palazzi (trái) đi đầu trong cuộc chiến chống tiêu cực của làng bóng đá Italy. Ảnh: AP |
Trong trường hợp Tòa sơ thẩm y án đề nghị (xử cả Milan, Juve, Fiorentina và Lazio xuống hạng) không loại trừ khả năng "những người cùng khổ" này, với lá cờ đầu là phe cánh của nhà Berlusconi, sẽ kiện lên cấp cao hơn và tiến hành một cuộc chiến pháp lý để cứu vãn số phận của mình. Khi đó chính phủ phải có biện pháp can thiệp trực tiếp chứ không thể đứng ngoài như hiện tại. Và như vậy, Italy có nguy cơ trở thành "Hy Lạp thứ hai" - không được tham gia vào các hoạt động bóng đá quốc tế, bởi FIFA không cho phép mọi hình thức chi phối từ chính quyền vào bóng đá. Đây là kịch bản không thể tồi tệ hơn cho một quốc gia còn chưa hết vui mừng với chức vô địch thế giới và đã quá quen bầu không khí cuồng nhiệt trên các sân vận động.
Bỏ lại đằng sau chiến thắng ở Đức, niềm hân hoan tột độ, những lễ ăn mừng hoành tráng, giờ là lúc bóng đá Italy phải trở lại với thực tại phũ phàng. Chính phủ, những nhà làm bóng đá và giới tifosi sẽ đứng trước sự lựa chọn khó khăn: hoặc thẳng tay trừng trị để diệt trừ mầm mống tiêu cực; hoặc xử nửa vời và chấp nhận tiêu cực như là một thực thể không thể tách rời của bóng đá.
Phương Minh tổng hợp