Thuế mới được quốc hội Italy thông qua tuần này. Tương tự chính sách Pháp áp dụng năm nay, Italy sẽ áp thuế 3% với doanh thu từ dịch vụ số của các công ty kiếm được hơn 750 triệu euro trên toàn cầu, trong đó có ít nhất 5,5 triệu euro từ Italy.
Thuế của Italy chỉ đánh vào các giao dịch B2B (giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp), như quảng cáo hay dịch vụ điện toán đám mây. Vì vậy, các công ty như Netflix hay Spotify không bị ảnh hưởng.
Italy có thể sử dụng 700 triệu euro thuế kỹ thuật số dự kiến thu được hàng năm để giảm thâm hụt tài khóa và đáp ứng các tiêu chuẩn tài chính của EU. Năm tới, nước này dự kiến đánh vào các công ty sản xuất thức uống có đường, bao bì nhựa và ôtô.
Trụ sở khu vực châu Âu của Facebook tại Dublin (Ireland). Ảnh: Bloomberg |
Các nước trên thế giới đang tìm cách cải tổ hệ thống thuế trong kỷ nguyên kỹ thuật số. Rất nhiều quốc gia phàn nàn các hãng công nghệ Mỹ trả thuế thu nhập quá thấp tại những nơi họ có người dùng. Đến nay, hầu hết các nước vẫn chần chừ trong việc áp thuế. Dù vậy, sự ngần ngại này đang dần biến mất, khi hàng loạt quốc gia khác, như Mỹ hay Canada đã sẵn sàng có động thái.
Để ngăn việc các công ty bị đánh thuế hai lần, Mỹ đang ngày càng tích cực tham gia đàm phán để tìm ra một giải pháp quốc tế, với sự hỗ trợ của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Họ muốn đưa ra một thỏa thuận chung giúp các nước mở rộng quyền đánh thuế với thu nhập doanh nghiệp.
Liên minh châu Âu (EU) cũng từng muốn có một hệ thống thuế kỹ thuật số áp dụng chung cho toàn khối này từ năm sau. Tuy nhiên, họ đã từ bỏ nỗ lực này, do sự phản đối của một số quốc gia như Ireland hay Luxembourg - nơi đặt trụ sở khu vực của nhiều hãng công nghệ lớn tại Mỹ.
Sau đó, Pháp lại áp dụng luật thuế riêng, khiến Mỹ rất tức giận. Để trả đũa, chính phủ Mỹ đầu tháng này đề xuất áp thuế nhập khẩu lên tới 100% với rượu vang, phomai và túi xách của Pháp. Mỹ cũng dọa trả đũa tương tự với Italy.
Người phát ngôn Bộ Tài chính Pháp cho biết thuế kỹ thuật số của Italy sẽ tăng sức ép lên Mỹ, để đạt được thỏa thuận cấp OECD. Tháng tới, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire dự kiến gặp Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin. Cả Pháp và Italy cho biết sẽ rút lại luật thuế nếu đạt được thỏa thuận tại OECD.
Các hãng công nghệ cho biết ủng hộ tiến trình quốc tế nhằm cập nhật luật thuế. Tuy nhiên, họ phản đối các động thái đơn phương dựa trên doanh thu, như của Italy hay Pháp. Các đại gia công nghệ Mỹ cho biết theo luật hiện tại, họ trả phần lớn thuế cho Mỹ, do đó là nơi sản phẩm của họ được tạo ra.
Hà Thu (theo WSJ)