"Chúng ta đang hướng tới thẻ xanh bắt buộc, không chỉ với viên chức công mà còn với cả người lao động tư nhân. Vaccine là vũ khí duy nhất để đối phó với Covid-19 và chúng ta chỉ có thể kiểm soát sự lây nhiễm bằng cách tiêm chủng cho phần lớn dân số", Bộ trưởng Các vấn đề khu vực Italy Mariastella Gelmini nói trên đài phát thanh quốc gia hôm qua.
Italy là vùng dịch lớn thứ 12 thế giới và số ca tử vong lớn thứ hai châu Âu, với 4.618.040 ca nhiễm nCoV và 130.100 người chết do Covid-19. Khoảng 73% trong số 60 triệu dân nước này đã được tiêm ít nhất một liều vaccine Covid-19, trong đó 65% dân số đã tiêm đủ hai liều.
Nếu kế hoạch này được thực hiện, Italy sẽ trở thành nước châu Âu đầu tiên áp dụng thẻ xanh bắt buộc tại nơi làm việc, trong bối cảnh nước này đang tăng tốc tiêm chủng và kiểm soát dịch bệnh. Người không có thẻ xanh Covid-19 sẽ bị đình chỉ công việc hoặc cắt giảm lương, nhưng chưa rõ có bị đuổi việc hay không.
Tuy nhiên, kế hoạch này cũng vấp phải sự phản đối với lý do vi phạm quyền tự do cá nhân, nhiều cuộc biểu tình đã diễn ra trước khi giới chức công bố kế hoạch áp dụng bắt buộc thẻ xanh Covid-19 cho doanh nghiệp tư nhân.
Thẻ xanh Covid-19 có tên gọi khác nhau ở từng quốc gia, là tài liệu dạng điện tử hoặc bản cứng giúp chủ sở hữu chứng minh bản thân đã tiêm vaccine Covid-19 hoặc đã bình phục sau khi nhiễm nCoV.
Nó ban đầu được triển khai nhằm đơn giản hóa đi lại giữa các nước Liên minh châu Âu (EU). Italy nằm trong nhóm các quốc gia yêu cầu người dân trình thẻ xanh Covid-19 khi tới bảo tàng, phòng gym và nhà hàng, sau đó mở rộng yêu cầu ra giáo viên và nhân viên trường học.
Thế giới đã ghi nhận 227.078.383 ca nhiễm nCoV và 4.667.121 ca tử vong, tăng lần lượt 521.562 và 9.626, trong khi 202.026.861 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.
Mỹ, vùng dịch lớn nhất thế giới, ghi nhận 42.446.636 ca nhiễm và 684.797 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 138.456 và 2.103 trường hợp so với một ngày trước đó.
Số ca Covid-19 nhập viện và tử vong gần đây gia tăng do biến chủng Delta khiến chính quyền cứng rắn hơn với yêu cầu tiêm vaccine, phương pháp mà Tổng thống Joe Biden coi là cách tốt nhất để bảo vệ nền kinh tế và chấm dứt đại dịch.
Lục quân Mỹ ngày 14/9 cho biết các binh sĩ tại ngũ phải tiêm vaccine trước ngày 15/12, trong khi Vệ binh Quốc gia nới thời hạn này đến 30/6/2022. Các binh sĩ không chịu tiêm vaccine sau thời hạn này mà không thuộc diện miễn trừ sẽ bị xếp vào diện bất tuân mệnh lệnh, có thể bị đình chỉ công tác, hạ cấp bậc, không thăng quân hàm, bị khiển trách và thậm chí buộc giải ngũ.
Mức độ hình phạt phụ thuộc vào cấp bậc của binh sĩ trong lục quân Mỹ. Những người giữ vị trí chỉ huy mà không tiêm vaccine có thể đình chỉ công tác hoặc hạ cấp bậc.
Các binh sĩ không quân Mỹ phải hoàn thành liệu trình tiêm vaccine trước ngày 2/11, còn hạn chót với không quân của Vệ binh Quốc gia và lực lượng dự bị là ngày 2/12. Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ yêu cầu toàn bộ binh sĩ tiêm vaccine trước ngày 28/11, lực lượng dự bị trước 28/12.
Hà Lan sẽ dỡ bỏ đa số biện pháp giãn cách xã hội từ ngày 25/9 và áp dụng thẻ xanh Covid tại một số địa điểm. Nước này hiện ghi nhận 1.977.016 ca nhiễm và 18.090 ca tử vong, tăng so với hôm trước lần lượt 2.354 và 7 ca.
Người dân vẫn phải đeo khẩu trang khi di chuyển bằng phương tiện công cộng và ở trường học, đồng thời được khuyến cáo làm việc ở nhà nếu có thể. Chính phủ Hà Lan cũng ban hành thẻ xanh vaccine cho người từ 13 tuổi trở lên để vào các địa điểm như nhà hàng, quán bar, rạp chiếu phim, bảo tàng, lễ hội tổ chức trong nhà và ngoài trời.
Hơn 70% người Hà Lan, tương đương 12,6 triệu người, đã tiêm ít nhất một mũi vaccine Covid-19, trong khi 65% người đã tiêm đủ hai mũi. Ban cố vấn y tế của chính phủ hôm 14/9 cho hay không cần tiêm mũi tăng cường cho đa số người dân vì hai mũi đã đủ hiệu quả. Số ca nhiễm mới tại Hà Lan đã giảm xuống còn 2.000 ca mỗi ngày, trong đó 450 bệnh nhân đang nằm viện điều trị.
Vũ Anh (Theo Reuters)