Sông băng Presena ở miền bắc Italy đã mất hơn một phần ba thể tích của nó kể từ năm 1993. Trong một nỗ lực chống tác động của biến đổi khí hậu, sau mùa trượt tuyết hàng năm, các nhà hoạt động vì môi trường lại chạy đua với thời gian để phủ những tấm bạt trắng khổng lồ lên trên bề mặt sông băng để ngăn nó tan chảy trong mùa hè.
Công việc này mất hơn một tháng để hoàn thành và được thực hiện bởi công ty Carosello-Tonale do Davide Panizza dẫn đầu. Từ diện tích che phủ 30.000 m2 khi dự án bắt đầu vào năm 2008, con số năm nay đã tăng lên 120.000 m2.
Các chuyên gia nói rằng khoảng 70% tuyết có thể được cứu trong mùa hè với lớp phủ bảo vệ này. Về cơ bản, nó là một lớp bạt trắng phản chiếu ánh sáng Mặt Trời, nhằm giữ cho nhiệt độ bề mặt sông băng luôn thấp hơn nhiệt độ không khí phía trên.
Để dễ dàng cho việc vận chuyển và triển khai, lớp phủ được ghép từ nhiều dải bạt nhỏ hơn: có chiều dài khoảng 70 m và rộng 5 m. Vào cuối tháng 9, khi mùa hè qua đi, nhóm của Panizza bắt đầu gỡ bạt và cuộn chúng lại.
"Chúng tôi đi đến sông băng Presena trong suốt cả năm để theo dõi sự cân bằng khối lượng, tức là những thay đổi về khối lượng mà sông băng trải qua. Sự khác biệt giữa lượng tuyết tích tụ vào mùa đông và lượng tuyết tan vào mùa hè cho chúng ta về tình trạng của sông băng. Trong 15 đến 20 năm qua, chúng tôi đã chứng kiến một xu hướng giảm liên tục", nhà băng học Christian Casarotto từ bảo tàng khoa học Trento nhấn mạnh.
Sự mất băng có lẽ là biểu hiện rõ ràng nhất của hiện tượng ấm lên toàn cầu. Do đó, nghiên cứu sông băng có ý nghĩa rất quan trọng trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu.
Đoàn Dương (Theo Reuters)