Trong cuốn tiểu thuyết "Love Story", sau này được dựng thành một bộ phim kinh điển, có một câu thoại bất hủ: "Tình yêu là không bao giờ phải nói xin lỗi". Nhưng khi Buffon chấm dứt mối tình kéo dài 20 năm với tuyển Italy, anh đã thốt lên chữ "xin lỗi" đến bốn lần.
Buffon xin lỗi các cầu thủ trẻ đang mơ ngày được khoác áo tuyển Italy. Anh xin lỗi người hâm mộ, xin lỗi gia đình vì đã khóc trước mặt bọn trẻ đang xem truyền hình. Và cuối cùng, anh xin lỗi cả nền bóng đá Italy. Có cái gì đó chua chát khi người xin lỗi nhiều nhất lại là người... không có lỗi.
Và có một cái gì đó thật trớ trêu bởi lần đầu tiên Buffon khoác áo tuyển Italy cũng là một trận play-off World Cup. Hôm ấy là ngày 28/10/1997, Buffon, mới 19 tuổi, mặt trẻ măng bước vào sân bóng đầy tuyết ở Moscow. Anh thi đấu bản lĩnh, từ chối mọi cơ hội làm bàn của đội chủ nhà Nga, và chỉ chịu thua một bàn sau pha phản lưới nhà của Fabio Cannavaro.
Có lẽ Buffon đã có một suy nghĩ lãng mạn, kiểu "ta đã khởi đầu chuyện tình tại Moscow, và sẽ kết thúc nó tại Moscow vào năm sau". Nhưng đời không như là mơ, và Buffon trở thành chứng nhân của một thảm họa mang tầm quốc gia: lần đầu tiên sau 60 năm, tuyển Italy phải làm khán giả ở một kỳ World Cup.
Gọi Buffon là chứng nhân, bởi anh không thể làm bất cứ việc gì để ngăn thảm họa diễn ra. Nó là một chuỗi những sự kiện xoắn vào nhau, tạo thành một dây chuyền theo hiệu ứng cánh bướm. Đầu tiên là việc coi thường những trận đấu giao hữu, khiến Italy không có vị trí tốt ở bảng điểm FIFA và rơi vào nhóm Hai trong lễ bốc thăm chia bảng vòng loại.
Sau đó là việc họ phải rơi vào chung bảng với một Tây Ban Nha mới mẻ và đầy sức sống dưới thời Julen Lopetegui. Rồi họ không may ngay trong trận play-off lượt đi với Thụy Điển. Cú giật chỏ của Ola Toivonen vào mặt Leonardo Bonucci lẽ ra phải khiến anh bị thẻ đỏ ngay phút thứ nhất. Cú sút bật chân của Daniele de Rossi từ Jakob Johansson ghi bàn duy nhất cho Thụy Điển. Hai quả phạt đền lẽ ra Italy phải được hưởng trong trận lượt về...
Buffon bất lực nhìn tất cả những điều ấy diễn ra, không cách gì can thiệp được. Anh chỉ là một thủ môn, được sinh ra để sửa chữa sai lầm cho người khác. Nhưng có những sai lầm mà Buffon không sửa nổi. Đấy là sự kiêu ngạo thái quá của những người phía trên anh.
Trước hai trận đấu với Thụy Điển, HLV Gian Piero Ventura nói: "Tôi đang nghĩ về lễ bốc thăm chia bảng ở vòng chung kết, vì chúng tôi tin mình sẽ có mặt tại Nga". Còn Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Italy (FIGC) Carlo Tavecchio khi được hỏi về khả năng bị loại đã trả lời theo kiểu châm biếm ngược lại phóng viên: "Italy bị loại ư? Đấy sẽ là một đại thảm họa, một ngày tận thế".
Và cái "ngày tận thế", "đại thảm họa" ấy đã diễn ra thật. Những con người cố ngăn cản việc ấy diễn ra nhiều nhất là những người đau nhất. De Rossi khởi đầu trận đấu cuối cùng của anh ở đội tuyển Italy trên ghế dự bị. Để rồi khi Ventura bảo anh khởi động để vào sân trong hiệp hai, anh đã chỉ tay về phía Lorenzo Insigne và nói: "Chúng ta cần ghi bàn, tung tôi vào làm gì? Sao không phải là cậu ấy?".
Chưa đạt đến tầm biểu tượng như Buffon, nhưng De Rossi cũng đã gắn bó với màu áo thiên thanh suốt 16 năm. Anh xem màu áo ấy là máu thịt của bản thân. "Hơn mười năm qua, tôi đã mặc màu áo này, lang thang từ Coverciano - đại bản doanh của tuyển Italy - ra đến khắp nơi trên thế giới. Thật buồn khi biết mình không còn được mặc nó nữa", De Rossi nói cùng những giọt nước mắt.
De Rossi, Buffon, cùng với Andrea Barzagli là ba cái tên còn sót lại từ đội hình vô địch World Cup 2006. Một kỷ nguyên đã khép lại trong khi lẽ ra nó đã phải... khép lại từ lâu. Buffon, De Rossi và Barzagli không bao giờ muốn rời xa màu áo đội tuyển, cũng như Andrea Pirlo từng ví màu áo ấy với màu da. Chẳng ai lại đi tự lột da của mình. Nhưng những người phía trên họ phải làm điều đó.
Mười năm qua, các HLV và quan chức trong FIGC đều chỉ dựa vào họ. Tại Euro 2016, Buffon đã trách móc: "Các anh tự hào về sức trẻ và sự năng động, để rồi đến những thời khắc quan trọng thì vẫn là những lão già như chúng tôi gánh vác". Trong trận lượt đi ở Stockholm, đội hình chính của Ventura có bảy người trên 30 tuổi, bốn người từ 33 tuổi trở lên. Đấy là đội bóng già nhất vòng loại.
Antonio Conte đã gióng chuông báo động tưng bừng khi còn tại vị, nhưng người ta đã phớt lờ cảnh báo ấy khi Italy vẫn chơi rất ổn tại Euro 2016. Nhưng thất bại trong cuộc đua tranh vé đi Nga hè 2018 là cái tát nảy đom đóm mang tính cảnh tỉnh của số phận, dành cho sự kiêu ngạo của những quý ông mặc áo vest trong FIGC. Cùng với việc Hà Lan, Mỹ, Chile ngồi nhà xem World Cup hè sang năm, Italy cần phải nhìn thẳng vào sự thật: người ta không thể mài đẳng cấp ra ăn mãi nếu không trau dồi nó.
Chỉ đáng buồn là khi số phận giáng cú tát chí mạng vào người Italy, nó vô tình... tát trúng Buffon và De Rossi. Anh hùng vô lệ, chỉ khóc vào những phút giây bi tráng.
Còn ở San Siro, nước mắt của họ không có tráng, mà chỉ có một màu bi ai!
Hoài Thương