Người gửi: Bùi Trọng Thành
Gửi tới: Ban Thể thao
Tiêu đề: Được và mất sau nửa chặng đường '
Vào đến tứ kết, coi như Italy đã hoàn thành nửa chặng đường tiến đến chiếc Cup vàng, và nửa chặng đường còn lại hứa hẹn không ít gian nan và khó khăn! Nhưng hãy khoan nói về Ukraina, bởi đó là chuyện của 4 ngày nữa. Chúng ta hãy xem những gì Squadra Azzurra đã làm được, những gì họ đã thể hiện, những cái được và mất và khả năng của họ đến đâu.
Qua 4 trận đấu, chúng ta nhận thấy, thực sự phong độ của Italy không ổn định. Họ cứ thi đấu một trận tuyệt vời thì sau đó lại là một sự thất vọng, và ngược lại. Khẳng định sự trở lại trong cuộc đối đầu với Ghana, bế tắc trước Mỹ, đẳng cấp trước Czech và vượt qua Australia có phần may mắn khi chỉ còn 10 người. Với nhiều người thì cái cách Italy vào tứ kết dường như là không thuyết phục, nhưng không thể phủ nhận, các học trò của ông Lippi đã chiến đấu như những chiến binh quả cảm, và phần thắng thuộc về họ là xứng đáng.
Cái được của Italy hiện nay là sự chắc chắn trong phòng thủ. Đây luôn được coi là điểm mạnh nhất của bóng đá Italy và giải đấu năm nay, điều đó càng được thể hiện rõ nét. Người ta nhận thấy rằng, Italy có một chút nào đó giống với Italy của năm 2000 dưới thời Dino Zoff. Sự chắc chắn của hàng thủ được đặt hàng đầu, các cầu thủ tuân thủ kỷ luật và luôn phòng ngự chặt chẽ. Những gương mặt ở tứ kết cũng như xu hướng bóng đá trong vài năm trở lại đây cho thấy các đội bóng luôn đặt nặng việc không bị ghi bàn trước tiên rồi mới tính đến việc ghi bàn. Hãy nhìn cái cách Hy Lạp vô địch châu Âu thuyết phục như nào, hay đội Anh tại World Cup năm nay, không giống như các World Cup khác. Anh năm nay chú trọng phòng ngự nhiều hơn, vì vậy những trận đấu có sự góp mặt của Anh hơi tẻ nhạt. Một gương mặt khác cũng đáng chú ý là Argentina. Ngoại trừ trận thắng giòn giã trước Serbia mà phần lớn các bàn thắng là sự chứng tỏ của các cầu thủ trẻ, họ cũng đặt nặng vào phòng thủ, đủ để kiếm 1 điểm trong trận gặp Hà Lan hay bảo vệ tỷ số trong trận gặp Bờ Biển Ngà.
Nếu như Nesta kịp bình phục, thì hàng phòng ngự không phải là một nỗi lo, bởi 4 gương mặt chắc chắn sẽ là Nesta, Cannavaro, Zambrotta và Grosso. Qua 4 trận thì người được tin tưởng nhất vẫn là Cannavaro. Đội trưởng Azzurri là người thi đấu chắc chắn nhất trong hệ thống 4 người, không những thế, anh còn tham gia tấn công, điển hình là các quả phạt góc luôn thấy mặt Cannavaro. Nesta bị chấn thương nhưng với những gì đã thể hiện, thì cặp trung vệ Nesta -Cannavaro quả thật khó có đối trọng tại World Cup năm nay. Mertesacker và Metzelder chưa đủ sự ăn ý, Terry và Ferdinand có cảm tưởng mỗi người thi đấu một kiểu trong khi Juan là điểm yếu trong cặp Juan-Lucio. Trong trường hợp Nesta không thể thi đấu, Materazzi bị treo giò thì người đá cặp với Cannavaro trong các trận đấu tiếp theo là Barzagli, cầu thủ của Palermo. Đây quả thật không phải là một sự lựa chọn tồi, vì với Barzagli thì Grosso sẽ có được sự ổn đinh và tự tin hơn trong các pha tấn công, bởi lẽ các anh đá quá hiểu nhau trong màu áo Palermo. Zambrotta không được thi đấu trận đầu tiên gặp Ghana nhưng với 3 trận còn lại, người xem có được cảm giác an toàn hơn, nhưng vẫn chờ mong những đột biến khi anh lên tham gia tấn công. Năm 1982 khi Italy vô địch thì hàng hậu vệ của Italy khi đó không được đánh giá quá cao, với sự góp mặt của Cabrini, Bergomi, Gentile và Tardelli. Nhưng 24 năm trôi qua và bóng đá đã thay đổi rất nhiều. Ngày nay muốn có chiến thắng thì trước tiên là không bị ghi bàn. Và với phong độ hiện tại thì Italy đủ khả năng làm được điều này.
Nếu chỉ kể đến các hậu vệ thì thật là bất công cho Buffon. Tính đến thời điểm này Buffon chỉ bị thủng lưới 1 bàn, nhưng đó lại là bàn đá phản lưới nhà. Thi đấu xuất sắc trong trận gặp Australia, không những thế, anh còn là người cổ động cho các cầu thủ Italy giữ vững niềm tin. Đối thủ lớn nhất của Buffon cho danh hiệu Thủ môn xuất sắc nhất năm nay là Petr Cech của Czech đã bị loại. Trong số các đội bóng còn lại thì cạnh tranh với Buffon có lẽ chỉ còn Ricardo của Bồ Đào Nha hoặc Casillas của Tây Ban Nha, còn Barthez hay Dida chưa có nhiều dịp chứng tỏ nên danh hiệu khó thuộc về họ.
Một cái được khác là phong độ của Pirlo cũng như bản lĩnh của Totti. Hàng tiền vệ tuy chưa thật thuyết phục nhưng họ đã làm tròn nhiệm vụ, luôn là điểm yếu nhất của Italy ở các kỳ World Cup. Năm 1994 với Albertini, Donadoni, Berti và D. Baggio thi đấu không thực sự thành công, Italy phải chờ vào sự toả sáng của R. Baggio mới đi đến trận chung kết. Năm 1990 thì hàng tiền vệ với Giannini, De Napoli, Ferri và Donadoni thậm chí còn không được nhắc đến nhiều. Hai gương mặt khác là Perrotta và Gattuso cũng làm tròn công việc của họ. Như vậy, sự đột biến sẽ đến chủ yếu từ Totti và Pirlo, một khi họ thể hiện được hết khả năng của họ.
Được thì thế nhưng quả thật, Italy có nhiều cái mất qua 4 trận đã đấu, và đáng tiếc nhất lại là hàng tiền đạo. Được kỳ vọng nhiều nhất sẽ trở thành nòng cốt cho Italy trong World Cup nhưng với những gì họ thể hiện, thì đáng trách nhiều hơn. Luca Toni là chiếc giày vàng châu Âu, với số bàn thắng ghi được nhiều hơn con số 30 - một kỷ lục của 40 năm trước. Ronaldo và Bierhoff hay Batistuta trước đây cũng không phá nổi kỷ lục này. Trận đầu gặp Ghana, anh chơi tích cực và phần nào thể hiện khả năng sát thủ của mình, nhưng vẫn chưa có duyên. Gặp Mỹ, anh đã bỏ lỡ cơ hội ngàn vàng để tạo nên cách biệt, còn gặp Australia thì thần may mắn từ chối anh. Luôn thi đấu tích cực nhưng anh vẫn chưa có bàn thắng. Nhưng hy vọng rằng anh sẽ toả sáng đúng lúc, giống với cách mà Anelka trước đây toả sáng và đưa Real Madrid đến chức vô địch Champions League. Gilardino là tiền đạo duy nhất thi đấu chính thức cả 4 trận, nhưng tất cả chỉ là 1 bàn thắng. Cơ hội hầu như đều bị anh bỏ lỡ, nhưng có lẽ, Gilardino chưa đủ tầm để trở thành chân sút trong một trận đấu lớn. Chắc hẳn chưa ai quên những cơ hội mà anh bỏ lỡ trong bán kết Champions League mùa rồi với Barcelona. Iaquinta được coi là tiền đạo thứ 3 và có những lúc anh toả sáng rồi vụt tắt, vực dậy cả một Udinese nhưng từng ấy chưa đủ khiến các tifosi hy vọng một sự khác biệt đến từ anh. Còn Pippo thì sao? Bàn thắng trong trận gặp Czech có lẽ đã làm mọi nguời loá mắt mà quên đi rằng trước đó, "Super Pippo" bỏ lỡ hai cơ hội cực kì ngon ăn. Và với một tiền đạo đẳng cấp và kinh nghiệm như vậy thì điều đó gây nên sự thất vọng.
Gương mặt cuối cùng chưa được nhắc đến là Del Piero. Tuy chưa thi đấu sáng chói, cũng như khả năng mới chỉ dừng lại ở mức gây rối loạn hàng hậu vệ đối phương, nhưng anh vẫn luôn được người Italy tin tưởng. Với các tifosi cũng vậy, mỗi khi anh vào sân luôn mong chờ anh sẽ toả sáng để rồi lại thất vọng. Có lẽ anh không phải là một cầu thủ có duyên với World Cup, mà trước đây Rivera cũng là một trường hợp như vậy! Những cái mất đáng tiếc khác là sự chuẩn bị không được tốt cũng như thiếu kinh nghiệm cho một giải đấu lớn của một vài cầu thủ. Sai lầm của De Rossi và Zaccardo thật khó có thể tha thứ. De Rossi làm hình ảnh người Italy càng xấu hơn, sau hành động đánh xấu hổ của Totti năm 2004. Còn Zaccardo thì phạm lỗi lầm quá nghiệp dư, một điều không đáng có ở một đất nước đề cao lối đá Catenaccio.
Italy muốn thành công thì họ phải làm nhiều hơn nữa, một nửa công việc họ đã hoàn thành. Đó là vượt qua 4 trận đấu khó khăn và sự ổn định của hàng thủ, nhưng để vượt qua được những đội bóng lớn khác, thì sự sắc bén của hàng tiền đạo mới là vũ khí nguy hiểm nhất. Có thể coi gặp Ukraina là một may mắn của Italy, nhưng nếu thi đấu như gặp Australia thì Italy sẽ phải trả giá, bởi Sheva luôn biết cách phải làm gì khi có được thuận lợi lớn như vậy!
Hai ngày nghỉ tiếp theo cũng là những ngày mà các cổ động viên nên dành thời gian cho gia đình cũng như bạn bè, đi chơi cho thoải mái, lấy lại sức để tiếp tục cổ vũ sau gần 2 tuần ăn bóng đá, ngủ bóng đá, uống bóng đá! Một kết quả tốt đẹp chờ đón ở Hamburg!