Anthony Moy và Katy Relf. Ảnh: The Age |
Mở đầu video Since U Been Gone (ca khúc của Kelly Clarkson) là cảnh Katy Relf, sống ở Taree (Australia), hát ư ử trong phòng tắm. Vài giây sau, cảnh quay chuyển ra phòng khách, nơi Anthony Moy tiếp tục đảm nhận giọng ca chính. Clip được sản xuất trên máy tính xách tay này là một trong hàng nghìn video ca nhạc nghiệp dư đang được truyền tay nhau qua Internet.
Trào lưu hát nhép (lip-synching) và đăng tải lên mạng bắt đầu xuất hiện từ năm 2004 khi cậu bé mập mạp, đeo kính cận Gary Brolsma ở New Jersey (Mỹ) biểu diễn ca khúc Romania với tiêu đề Love by the Linden Trees. Sau khi tung lên website, đoạn video ngắn đó lập tức tạo cơn sốt lớn, được trình chiếu trên kênh CNN và tờ New York Times cũng viết bài bình luận...
Kể từ đó, ở đâu người ta cũng có thể dễ dàng chứng kiến Sullio (Pháp) bắt chước nữ ca sĩ tài năng của Colombia Shakira, Katja và Bracha tại Canada đang 'hụt hơi' theo bài All By Myself của Eric Carmen, hoặc Gary và Tom ở Anh cố tập theo phong cách của ban nhạc Take That.
Tháng trước, Brooke Brodack, nhân viên lễ tân 20 tuổi, ký được một hợp đồng thu âm 18 tháng với công ty sản xuất Carson Daly sau khi hãng này xem đoạn nhạc hài hước của cô trên YouTube.
Sự may mắn đó cũng đến với không ít "thiên tài hát nhép" khác, đặc biệt khi họ tham gia cuộc thi trên trang Google Idol của chuyên gia công nghệ Ben Petro. Anh lập site này hồi đầu năm sau vài giờ cười nghiêng ngả trước các đoạn clip nghiệp dư trên Google Video. Tính đến nay, trang của Petro đã thu hút hàng chục nghìn lượt bình bầu.
Bộ đôi Relf và Moy đang được đánh giá cao nhất nhờ ca khúc Since U Been Gone với 12.000 người chọn, chủ yếu từ Đức và Hà Lan. Video này cũng đã được phát trên kênh truyền hình Đức. Trung bình Petro nhận được 100 video mỗi tuần, sau đó anh dành khoảng 20 - 25 giờ để chọn 10 clip cho cuộc thi. "Thật may tôi chưa có con và bạn gái luôn ở bên giúp đỡ tôi", Petro nói.
"Tác phẩm tiếp theo của chúng tôi sẽ là Oops I Did it Again. Cảnh chủ yếu ở nhà, ví dụ Katy nằm hát trên ghế dài trong bếp, thậm chí cả trong nhà vệ sinh nhưng sẽ được quay một cách nghệ thuật...", Moy tiết lộ.
10 website về video và nhạc 'đình đám' hiện nay:
1. iTunes: nhạc có bản quyền.
2. Wikipedia: tiểu sử nghệ sỹ và cho phép tải nhạc cổ điển miễn phí.
3. MySpace: Âm nhạc phù hợp giới trẻ và giới thiệu ban nhạc mới.
4. YouTube: Nơi "chứa chấp" những video đủ để người xem khỏi ốm chỉ sau vài giờ.
5. Pandora: Phục vụ nhạc theo sở thích.
6. DrownedInSound: Thông tin âm nhạc
7. HolyMoly: Những đoạn tán gẫu về nhạc pop.
8. PartyBen: Liên tục cập nhật những đoạn nhạc và video vui nhộn.
9. Soundoftheworld: Đưa âm nhạc lên Internet.
10. StylusMagazine: Những bài viết về nhạc
Hải Nguyên (theo The Age)