"Tôi chắc chắn đang xem xét khả năng này", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong cuộc phỏng vấn với CNN hôm 31/1, khi được hỏi liệu Israel có thể cung cấp các khí tài quân sự cho Ukraine, trong đó có hệ thống phòng không Vòm sắt (Iron Dome) hay không.
Vòm sắt được Israel triển khai lần đầu năm 2011. Giới chức Israel và Mỹ nhận định mỗi khẩu đội Vòm sắt có khả năng đánh chặn 85% mục tiêu. Con số này tăng lên 90% trong xung đột tại Dải Gaza sau đó một năm.
Một tổ hợp Vòm sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Mỗi quả đạn Tamir có giá khoảng 40.000-100.000 USD. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Ông Netanyahu cũng xác nhận Mỹ đã chuyển một kho đạn pháo bố trí ở Israel sang Ukraine. Mỹ duy trì kho đạn pháo dự trữ tại Israel để phục vụ lực lượng của họ hoạt động tại Trung Đông, đồng thời cho phép nước chủ nhà sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Theo Thủ tướng Netanyahu, ông được đề nghị đóng vai trò trung gian hòa giải không chính thức sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine tháng 2/2022, nhưng không thể thực hiện vì khi đó đang ở phe đối lập.
Ông Netanyahu tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Israel ngày 29/12/2022, sau khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử trước đó một tháng. Ông cho biết hiện sẵn sàng làm trung gian hòa giải nếu được các bên và Mỹ yêu cầu.
"Tôi đã ở đây đủ lâu để biết rằng cần phải có thời điểm và hoàn cảnh thích hợp cho vai trò đó. Nếu họ yêu cầu, tôi chắc chắn sẽ cân nhắc", ông cho hay.
Bình luận của Thủ tướng Netanyahu được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken tới thăm Israel và thúc giục nước này tăng cường hỗ trợ cho Ukraine. Ngoại trưởng Israel Eli Cohen nói với ông Blinken rằng sẽ tới Kiev để mở lại đại sứ quán, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của quan chức Israel tới Ukraine từ khi chiến sự bùng phát.
Ông Netanyahu không đưa ra cam kết chắc chắn nào với Ukraine và Israel vẫn duy trì mối quan hệ tốt với Nga, đặc biệt là trong vấn đề Syria. Nga đang kiểm soát không phận Syria và được cho là đã không hành động khi Israel tiến hành các cuộc không kích nhắm vào lực lượng dân quân thân Iran ở Syria.
Người tiền nhiệm của ông Netanyahu, Naftali Bennett, đã có chuyến thăm bất ngờ tới Moskva vào tháng 3 năm ngoái để trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Bennett đã chuyển thông điệp của ông Putin tới Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nhưng không thành công trong việc dàn xếp các cuộc đàm phán trực tiếp giữa lãnh đạo hai nước.
Huyền Lê (Theo AFP)