Chính phủ của Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm nay cho biết kế hoạch mở rộng khu định cư tại Cao nguyên Golan được phê duyệt sau khi "xét đến tình hình chiến sự và mặt trận mới ở Syria", cũng như mong muốn tăng gấp đôi dân số Israel trên Cao nguyên Golan.
"Củng cố Cao nguyên Golan chính là củng cố nhà nước Israel, điều này đặc biệt quan trọng vào thời điểm hiện tại. Chúng ta sẽ tiếp tục bám trụ, mở rộng và phát triển tại đó", Thủ tướng Netanyahu ra thông cáo cho hay.
Văn phòng Thủ tướng Israel cho biết chính phủ nước này đã nhất trí thông qua kế hoạch trị giá hơn 40 triệu shekel (11 triệu USD) để khuyến khích tăng dân số ở Cao nguyên Golan.
Cao nguyên Golan là vùng đất rộng khoảng 1.800 km2, giáp với Syria, Israel, Jordan và Lebanon. Đây là một phần của Syria kể từ năm 1944, khi quốc gia Trung Đông được công nhận là nước cộng hòa độc lập.
Israel đang kiểm soát khoảng 2/3 diện tích Cao nguyên Golan sau chiến tranh năm 1967. Israel năm 1981 thông qua luật sáp nhập khu vực này vào nước họ.
Liên Hợp Quốc coi Cao nguyên Golan là một phần của Syria và đã thông qua Nghị quyết 242, kêu gọi Israel rút khỏi tất cả lãnh thổ mà họ chiếm đóng trong cuộc chiến năm 1967, bao gồm Cao nguyên Golan, Dải Gaza và Bờ Tây. Tuy nhiên, Israel từ chối làm vậy.
Khoảng 31.000 người Israel đã định cư ở Cao nguyên Golan, theo nhà phân tích Avraham Levine thuộc Trung tâm Nghiên cứu và Giáo dục Alma, chuyên về các thách thức an ninh của Israel ở biên giới phía bắc. Nhiều người làm nghề nông, trong đó có trồng nho, và du lịch.
Levine cho biết Cao nguyên Golan cũng là nơi sinh sống của 24.000 người Druze, nhóm thiểu số Arab theo đạo Hồi và hầu hết đều tự nhận là người Syria.
Sau khi liên minh đối lập ở Syria kiểm soát Damascus, quân đội Israel ngày 8/12 thông báo triển khai các đơn vị tới vùng đệm và một số khu vực cần thiết để "bảo vệ, đảm bảo an ninh cho những khu dân cư ở Cao nguyên Golan", vì cho rằng các tay súng Syria có khả năng xâm nhập vùng đệm do Liên Hợp Quốc kiểm soát tại khu vực.
Đây là lần đầu trong 50 năm lực lượng Israel tiến vào và đóng quân tại các vị trí trên vùng đệm Cao nguyên Golan, kể từ khi thỏa thuận rút lui năm 1974 được ký kết. Quân đội Israel từng một số lần tiến vào vùng này, song chỉ ở lại trong thời gian ngắn.
Ahmed al-Sharaa, lãnh đạo nhóm vũ trang Hayat Tahrir al-Sham (HTS), hôm 14/12 nói rằng Israel đang sử dụng "những cái cớ sai trái" để biện minh cho các cuộc tấn công vào Syria, nhưng khẳng định ông không muốn bị kéo vào xung đột mới vì đang tập trung tái thiết Syria.
Huyền Lê (Theo Reuters)