"Israel không chấp nhận thẩm quyền của Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và tính hợp pháp của lệnh bắt mà họ đã ban hành. Nếu tòa bác bỏ đơn kháng cáo, điều đó sẽ chỉ chứng minh thêm cho bạn bè của Israel ở Mỹ và trên thế giới thấy rằng ICC chống Israel đến thế nào", Văn phòng Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 27/11 cho hay.
Israel đã thông báo cho ICC về ý định kháng cáo, đồng thời yêu cầu tòa đình chỉ lệnh bắt với Thủ tướng Netanyahu và cựu bộ trưởng quốc phòng Yoav Gallant trong lúc chờ kết quả.
Văn phòng cũng cho biết thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa ở Mỹ Lindsey Graham đã thông báo cho Thủ tướng Netanyahu "về loạt biện pháp ông đang thúc đẩy tại quốc hội nhằm vào ICC và các quốc gia sẽ hợp tác với tòa".
Khi được hỏi về động thái của Israel, phát ngôn viên ICC Fadi El-Abdallah nói rằng "nếu đơn kháng cáo được gửi đi, thẩm phán sẽ ra quyết định".
ICC hôm 21/11 phát lệnh bắt ông Netanyahu, ông Gallant và thủ lĩnh cánh vũ trang của Hamas Ibrahim Al-Masri, còn gọi là Mohammed Deif, với cáo buộc về tội tác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trong xung đột Gaza.
Đây là lần đầu tiên ICC phát lệnh bắt lãnh đạo đương nhiệm của một quốc gia đồng minh phương Tây. Theo đó, 124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt nếu ba người này tới lãnh thổ của họ. Israel không phải thành viên ICC.
Ông Netanyahu và các chính trị gia Israel lên án lệnh bắt của ICC. Thủ tướng Israel chỉ trích động thái của ICC là "vô căn cứ, mang tính bài Do Thái" và tuyên bố sẽ tiếp tục bảo vệ đất nước bằng mọi cách. Mỹ, đồng minh của Israel, cũng bác bỏ thẩm quyền của ICC trong vấn đề này.
ICC được thành lập năm 2002, có trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Tuy nhiên, lệnh bắt của ICC chủ yếu mang tính biểu tượng, vì quan chức bị phát lệnh bắt thường tránh đến những nước này. ICC cũng không thể tiến hành xét xử vắng mặt.
Huyền Lê (Theo AFP, Reuters)