"Tôi nghĩ điều quan trọng cần hiểu rõ là chúng tôi lo ngại nguy cơ các hệ thống viện trợ cho Ukraine sẽ rơi vào tay Iran. Chúng có thể bị mổ xẻ và sao chép, khiến Israel rơi vào tình thế phải đối đầu với những vũ khí do chính mình phát triển", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong cuộc phỏng vấn được công bố hôm 29/6.
Thủ tướng Israel khẳng định vấn đề này "không phải lý thuyết", đề cập tình trạng nhóm vũ trang Hezbollah tại Lebanon đang sử dụng nhiều vũ khí sao chép của phương Tây do Iran chế tạo.
"Lý do Israel ghi nhận ít thương vong, dù hứng chịu tới hơn 20.000 quả rocket các loại, là nhờ thành công của Iron Dome (Vòm Sắt). Nếu hệ thống này rơi vào tay Iran, hàng triệu người dân Israel sẽ rơi vào vòng nguy hiểm vì mất lá chắn bảo vệ", ông nói.
![Hệ thống Vòm Sắt khai hỏa tại thành phố Sderot, miền tây Israel, hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2023/06/30/iron-dome-1-1659858704-8550-16-3222-3606-1688094649.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=IsNDk-nFy3lBQRVHTkKPPg)
Hệ thống Vòm Sắt khai hỏa tại thành phố Sderot, miền tây Israel, hồi tháng 8/2022. Ảnh: Reuters
Ông Netanyahu cho biết Israel đã cung cấp một hệ thống cảnh báo rocket và máy bay không người lái (UAV) cho Ukraine. "Chúng tôi viện trợ cho họ hệ thống cảnh báo và phòng thủ dân sự, hạn chế tình trạng một nửa dân số Ukraine phải vào hầm trú ẩn mỗi khi có tên lửa bay tới", ông nói.
Thủ tướng Israel cũng bác bỏ những chỉ trích từ đại sứ quán Ukraine, trong đó cho rằng Tel Aviv đang "chọn con đường hợp tác chặt chẽ" với Moskva. "Chúng tôi không trung lập. Israel đã thể hiện sự thông cảm và quan điểm với Ukraine, nhưng chúng tôi cũng có những giới hạn, lo ngại và lợi ích riêng", ông nhấn mạnh.
Phát biểu được đưa ra một tuần sau khi hai thượng nghị sĩ Mỹ gồm Lindsey Graham và Chris Van Hollen nói rằng Tel Aviv đã ngăn Washington chuyển hai khẩu đội Vòm Sắt trong biên chế Mỹ cho quân đội Ukraine.
Vòm Sắt là hệ thống phòng không tầm ngắn được phát triển bởi các tập đoàn công nghiệp quốc phòng Israel. Mỹ đã đóng góp 1,6 tỷ USD cho dự án này trong giai đoạn 2011-2021, quốc hội Mỹ hồi năm ngoái phê chuẩn khoản chi bổ sung một tỷ USD cho chương trình Vòm Sắt.
Tel Aviv có quyền ngăn Washington bán hệ thống Vòm Sắt cho bên thứ ba và từng nhiều lần thực thi quyền này vì lo ngại công nghệ nhạy cảm rơi vào tay đối thủ của Israel.
Vòm sắt được Israel triển khai lần đầu năm 2011. Giới chức Israel và Mỹ nhận định mỗi khẩu đội Vòm sắt có khả năng đánh chặn 85% mục tiêu. Con số này tăng lên 90% trong xung đột tại Dải Gaza sau đó một năm.
Một tổ hợp Vòm sắt hoàn chỉnh gồm 3-4 bệ phóng, mỗi bệ trang bị 20 tên lửa đánh chặn Tamir, cùng với đó là radar cảnh giới và dẫn bắn, hệ thống điều khiển và quản lý tác chiến. Mỗi quả đạn Tamir có giá khoảng 40.000-100.000 USD. Phần lớn hoạt động của Vòm Sắt được tự động hóa để rút ngắn thời gian phản ứng và giảm yêu cầu về nhân lực vận hành.
Vũ Anh (Theo Wall Street Journal)