"Đây là một ngày lịch sử", Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói trong lễ đặt tên khu định cơ mới ở Cao nguyên Golan hôm 16/6. Ông tuyên bố tên gọi "Cao nguyên Trump" của khu định cư này nhằm tôn vinh Tổng thống Mỹ Donald Trump vì đã công nhận chủ quyền của Israel với Cao nguyên Golan.
Khu định cư mới của Israel dự kiến được xây dựng gần Kela, phía bắc Cao nguyên Golan. Tiến trình xây dựng khu định cư vẫn chưa bắt đầu nhưng tấm bảng ghi tên "Cao nguyên Trump" đã được dựng lên cùng với cờ Mỹ và cờ Israel trong buổi lễ hôm qua.
Cùng ngày, nội các của Israel đã phê chuẩn nghị quyết của Thủ tướng Netanyahu về "Sáng kiến thành lập một cộng đồng cư dân mới trên Cao nguyên Golan". Tuy nhiên, nghị quyết không bao gồm việc thành lập một khu tái định cư và chưa cấp ngân sách cho dự án xây dựng này.
Buổi lễ công bố khu định cư "Cao nguyên Trump" do Netanyahu chủ trì bị phe đối lập Israel cho là hành động phô trương trái thẩm quyền, vì theo luật, chính phủ Israel không được phép lập khu định cư nào từ nay đến cuộc bầu cử quốc hội diễn ra vào tháng 9.
Zvi Hauser, cựu thư ký nội các Israel, cho rằng quyết định này của Netanyahu chỉ là một "chính sách giả tạo, không mang tính ràng buộc" và bày tỏ hy vọng "Tổng thống Trump không biết rằng tên của mình bị lợi dụng cho một thủ đoạn lôi kéo cử tri" của Thủ tướng Netanyahu.
Cao nguyên Golan có diện tích khoảng 1.200 km2, nằm cách thủ đô Damascus của Syria khoảng 60 km về phía tây nam. Israel đã chiếm phần lớn Cao nguyên Golan từ Syria trong cuộc chiến Trung Đông năm 1967 và cản trở những nỗ lực của Syria nhằm lấy lại khu vực này năm 1973. Hai nước đã thống nhất tạo một khu vực phi quân sự dài 44 km do Liên Hợp Quốc kiểm soát tại cao nguyên.
Đến năm 1981, quốc hội Israel thông qua luật áp dụng "luật pháp, quyền tài phán và hành chính" đối với Cao nguyên Golan, đồng nghĩa với việc sáp nhập vùng đất vào lãnh thổ nước này. Tuy nhiên, nghị quyết 497 của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tuyên bố quyết định của Israel không có hiệu lực pháp lý quốc tế.
Cao nguyên Golan có hơn 30 khu định cư của người Israel với khoảng 20.000 dân, tất cả đều bị coi là bất hợp pháp theo luật quốc tế. Ý định xây một khu định cư mới mang tên Trump trên Cao nguyên Golan được Netanyahu nêu ra từ tháng 4, ngay sau khi Tổng thống Mỹ ký sắc lệnh công nhận chủ quyền của Israel với cao nguyên này, động thái vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Mai Lâm (Theo BBC)