"Tôi tin rằng các hành động pháp lý nhằm vào Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) và bất cứ ai hợp tác với họ sẽ sớm được thực thi tại Washington", Ngoại trưởng Israel Gideon Saar phát biểu tại cuộc họp báo chung với người đồng cấp Czech Jan Lipavsky ở Prague hôm nay.
Ông Saar đề cập vụ ICC tuần trước phát lệnh bắt Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cựu bộ trưởng quốc phòng Israel Yoav Gallant và thủ lĩnh cánh vũ trang Hamas Mohammed Deif với cáo buộc về tội tác chống lại loài người và tội ác chiến tranh trong xung đột Dải Gaza.
124 nước thành viên ICC có nghĩa vụ bắt giữ nếu ba người này tới lãnh thổ của họ. Israel không phải thành viên ICC.
Ngoại trưởng Saar tuyên bố ICC "không có lý do chính đáng" khi phát lệnh bắt nhằm vào lãnh đạo Israel, thêm rằng một số quốc gia, trong đó có Mỹ, cũng thất vọng trước quyết định của Tòa Hình sự Quốc tế.
Văn phòng Thủ tướng Israel ngày 27/11 cho biết sẽ kháng cáo lệnh bắt của ICC, đồng thời yêu cầu đình chỉ lệnh này trong lúc chờ kết quả. Cơ quan này cũng tiết lộ thượng nghị sĩ Mỹ Lindsey Graham đã thông báo cho Thủ tướng Netanyahu về "loạt biện pháp đang thúc đẩy tại quốc hội Mỹ nhằm vào ICC và các quốc gia sẽ hợp tác với tòa án".
Các nước phương Tây đã thể hiện phản ứng trái ngược về lệnh bắt.
Mỹ chỉ trích động thái của ICC là "sự xúc phạm" và khẳng định "tiếp tục sát cánh" cùng Israel. Argentina cho rằng tòa đã "phớt lờ quyền tự vệ hợp pháp của Israel trước các cuộc tấn công liên tục từ Hamas và Hezbollah", còn Hungary tuyên bố sẽ mời Thủ tướng Netanyahu tới thăm dù nước này là thành viên ICC.
Trong khi đó, Anh và Ireland tuyên bố sẽ tôn trọng quyết định của ICC. Pháp nói sẽ áp dụng các điều khoản về quyền miễn trừ tại ICC đối với Thủ tướng Netanyahu. Người đứng đầu chính sách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cho rằng lệnh bắt có tính "ràng buộc" và cần được thực hiện bởi "đó là cách duy nhất có công lý toàn cầu".
Như Tâm (Theo Reuters, Times of Israel)