Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) ngày 28/9 thông báo thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah đã bị hạ trong đợt tập kích một ngày trước đó vào thành trì nhóm vũ trang ở khu Haniyeh, ngoại ô phía nam thủ đô Beirut, Lebanon.
Đòn tập kích nhằm vào một boongke kiên cố nằm sâu hơn 18 m dưới lòng đất. Ông Nasrallah cùng các chỉ huy Hezbollah tập trung tại đây để họp bàn về chiến lược đối phó Israel, theo Wall Street Journal.
Báo Pháp Le Parisien dẫn nguồn tin an ninh Lebanon nói một điệp viên người Iran sâu trong hàng ngũ Hezbollah đã báo tin cho giới chức Israel về cuộc họp. Tehran chưa lên tiếng về thông tin này.
"Chúng tôi có tin tình báo theo thời gian thực, về một cơ hội tác chiến cho phép chúng tôi thực hiện đòn tấn công", phát ngôn viên IDF Nadav Shoshani nói. Quân đội Israel sau đó trút gần 80 tấn bom xuống vị trí mục tiêu, trong đó có 85 quả bom phá hầm chuyên đối phó kiến trúc trong lòng đất. Loạt đòn này có thể xuyên qua 30 m đất hoặc 6 m bê tông kiên cố. Mỗi quả bom phá hầm nặng khoảng 900-1.800 kg.
"Mọi thứ chúng tôi lên kế hoạch đều được thực hiện chính xác, không có sai sót, cả về tình báo lẫn tác chiến. Mọi thứ diễn ra suôn sẻ", chỉ huy Phi đội số 69 của Không quân Israel (IAF) nói với Times of Israel.
Các nguồn thạo tin cho biết Israel bắt đầu chuẩn bị cho chiến dịch ngày 27/9 từ nhiều tháng trước. IDF xác định cách để xuyên phá boongke ngầm là thực hiện hàng loạt vụ nổ được căn thời gian, vụ nổ trước sẽ mở đường cho vụ nổ tiếp theo.
Kênh Channel 12 của Israel đưa tin kế hoạch hạ sát Nasrallah được thiết lập hôm 23/9 và đưa ra thảo luận hôm 25/9. Tại cuộc họp đầu tiên với tư lệnh IDF Herzi Halevi, giám đốc cơ quan tình báo nước ngoài Mossad David Barnea, giám đốc cơ quan an ninh nội địa (Shin Bet) Ronen Bar và Bộ trưởng Quốc phòng Israel Yoav Gallant đều nhất trí ủng hộ kế hoạch.
Một số bộ trưởng Israel phản đối, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Bezalel Smotrich. Ông Smotrich và Bộ trưởng Hợp tác khu vực David Amsalem lo ngại động thái sẽ ảnh hưởng đến chiến dịch của IDF đang diễn ra ở Gaza. Nội các Israel sau cùng "bật đèn xanh" cho kế hoạch vào tối 26/9.
Ngày 27/9, ông Halevi trao đổi với ông Gallant. "Chúng tôi đã có những gì cần thiết và có thể triển khai chiến dịch. Chúng tôi biết Nasrallah đang ở trong boongke đó", ông Halevi nói.
Ông Gallant và ông Halevi gọi điện cho Thủ tướng Benjamin Netanyahu. Lãnh đạo Israel khi đó đang ở New York, chuẩn bị phát biểu trước Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Hai quan chức quốc phòng khuyến nghị ông Netanyahu cho phép thực hiện chiến dịch và được chấp thuận.
Loạt tiêm kích F-15I của Phi đội số 69 xuất kích từ căn cứ Hatzerim, miền nam Israel. Nửa số phi công tham gia chiến dịch là lực lượng dự bị. Khi mặt trời dần hạ xuống ở Trung Đông ngày 27/9, các phi cơ IAF thả bom. Khoảng 18h30, loạt tiếng nổ lớn vang lên ở thủ đô của Lebanon.
"Chúng tôi tập kích vào Beirut, vào Daniyeh. Chúng tôi biết mình nhắm mục tiêu vào ai", chỉ huy phi đội 69 nói.
Chuẩn tướng Amichai Levin, chỉ huy căn cứ Hatzerim, thêm rằng nhiệm vụ "rất phức tạp" này đã được lên kế hoạch từ lâu.
"Không có tên lửa nào nhắm vào các phi cơ trong chiến dịch. Phi đội không gặp nguy hiểm", ông cho biết. "Hàng chục quả đạn đánh trúng mục tiêu trong vài giây với độ chính xác cao, yếu tố cần thiết khi nhắm vào những khu vực ngầm ở sâu như vậy".
Văn phòng Thủ tướng Israel đã công bố ảnh ông Netanyahu nghe điện thoại ở New York, "bật đèn xanh" cho đòn tập kích.
Một quan chức Mỹ ngày 27/9 cho biết Washington chỉ được thông báo sau khi tiêm kích Israel đã xuất kích và chiến dịch đang diễn ra.
Nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Joe Biden phẫn nộ, bởi Mỹ những ngày trước đó đang nỗ lực để tái khởi động đàm phán hướng đến một lệnh ngừng bắn ở Lebanon và Gaza. Mỹ và Pháp đã đề xuất về một lệnh ngừng bắn trong 21 ngày, nhưng ông Netanyahu bác bỏ.
Mỹ cảm thấy "như bị lừa dối", Channel 12 mô tả. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã bày tỏ quan ngại trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Israel Gallant ngày 27/9.
Đòn tập kích Beirut tái hiện một vấn đề then chốt ở Gaza. Israel sẵn sàng sử dụng bom uy lực để đạt mục đích quân sự, như hạ chỉ huy Hamas và Hezbollah, ngay tại những khu vực đô thị, bất chấp nguy cơ gây thương vong cho dân thường. Israel hồi tháng 7 được cho là đã thả 8 quả bom 900 kg xuống Khan Younis, miền nam Gaza để hạ Mohammed Deif, chỉ huy cánh vũ trang Hamas.
"Điều Israel muốn thể hiện là họ thực sự nghiêm túc trong việc chặn mối đe dọa dai dẳng từ Hezbollah và sẵn sàng chịu rủi ro lớn để thực hiện", cựu chỉ huy lực lượng Mỹ tại Trung Đông Joseph Votel nhận định. "Uy lực đòn đánh được tính toán để đảm bảo họ có cơ hội thành công cao nhất trong nỗ lực hạ Nasrallah".
Như Tâm (Theo Times of Israel, WSJ)