Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) tối 27/9 và rạng sáng 28/9 tiến hành hai đợt không kích vào ngoại ô phía nam thủ đô Beirut của Lebanon, tuyên bố mục tiêu là "trụ sở dưới lòng đất và các chung cư cất giấu vũ khí" của nhóm vũ trang Hezbollah.
Nguồn tin của Hezbollah nói đòn tấn công đã san phẳng 6 tòa nhà, trong khi Bộ Y tế Lebanon thông báo ít nhất 6 người đã thiệt mạng và 91 người bị thương.
Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi sau đó cáo buộc Israel đã dùng "một vài quả bom xuyên phá hầm ngầm nặng 2,3 tấn do Mỹ chuyển giao để tấn công các khu dân cư ở Beirut". Ông không đề cập cụ thể tên loại bom, song một số chuyên gia nhận định quan chức Iran đang nói đến dòng GBU-72 được Mỹ phát triển từ năm 2021.
Giới chức Mỹ và Israel chưa bình luận về thông tin.
Bom GBU-72 là phiên bản dẫn đường chính xác của bom xuyên phá BLU-138, được tích hợp hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh (GPS). Mỹ chưa công bố thông tin kỹ chiến thuật của loại bom này, nhưng các chuyên gia ước tính nó có khả năng xuyên qua tối đa 30 m đất hoặc bê tông cốt thép dày 6 m.
Elijah Magnier, nhà phân tích quân sự tại Bỉ, nhận định đây có thể là lần đầu tiên bom GBU-72 được đưa vào thực chiến, cho thấy Israel muốn "đảm bảo không ai có thể sống sót" tại khu vực bị tập kích. "Đây dường như là mục tiêu rất giá trị, hoặc ít nhất Israel nghĩ như thế", ông cho hay.
Một quan chức Israel nói với tờ Times of Israel rằng mục tiêu của cuộc không kích là thủ lĩnh Hezbollah Hassan Nasrallah. "Thật khó để tưởng tượng ông ấy có thể sống sót sau vụ tấn công như thế", người này nói. Tuy nhiên, một quan chức khác cho rằng còn "quá sớm" để khẳng định ông Nasrallah đã thiệt mạng hay chưa.
Nguồn tin của Hezbollah khẳng định ông Nasrallah "vẫn ổn" sau sự việc.
Quân đội Israel sau đó tuyên bố đã hạ sát Muhammad Ali Ismail, chỉ huy đơn vị tên lửa của Hezbollah ở miền nam Lebanon, cùng cấp phó của người này cũng như một số quan chức cấp cao khác, song không đề cập thủ lĩnh Nasrallah.
Căng thẳng giữa Israel và Hezbollah gia tăng sau loạt vụ nổ thiết bị liên lạc của nhóm ở Lebanon ngày 17-18/9 khiến ít nhất 39 người thiệt mạng, khoảng 3.000 người bị thương. Hezbollah cáo buộc Israel là thủ phạm, song Tel Aviv không phủ nhận hay xác nhận.
Hàng loạt vụ tập kích qua lại giữa Israel và Hezbollah diễn ra những ngày sau đó. Các trận không kích của Israel vào lãnh thổ Lebanon từ đầu tuần đã khiến hơn 700 người thiệt mạng và hơn 5.000 người bị thương, đỉnh điểm là cuộc tấn công quy mô lớn hôm 23/9 khiến ít nhất 569 người thiệt mạng, trong đó có 50 trẻ em và 94 phụ nữ, và hơn 1.800 người bị thương.
Mỹ và Israel có quan hệ đặc biệt kể từ khi quốc gia Trung Đông tuyên bố độc lập năm 1948, trong đó viện trợ vũ khí được xem là có vai trò cốt lõi. Tính đến năm ngoái, Mỹ đã cung cấp 158,7 tỷ USD cho Israel, trong đó khoảng 124,3 tỷ USD cho quân đội và hệ thống phòng thủ tên lửa.
Tel Aviv hiện nhận hơn 3 tỷ USD viện trợ quân sự mỗi năm từ Washington và hầu hết các giao dịch mua vũ khí của nước này được thực hiện bằng nguồn tài trợ của chính phủ Mỹ.
Chính phủ Mỹ đã nhiều lần gấp rút cung cấp vũ khí cho Israel trong gần một năm qua, thậm chí sử dụng các quy chế khẩn cấp để viện trợ đạn pháo cho đồng minh Trung Đông. Tuy nhiên, khi chiến sự kéo dài và gây thương vong lớn cho dân thường, Mỹ đã đưa ra một số cảnh báo về vũ khí để gây sức ép với chính quyền Israel, trong đó có một lần hoãn chuyển lô bom hạng nặng hồi tháng 5.
Phạm Giang (Reuters, AFP, Al Jazeera)