Người phụ nữ này là một trong 9 bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron đang được điều trị trong bệnh viện. Bộ Y tế Israel thông báo bà tử vong vào ngày 28/12, trở thành người đầu tiên ở nước này qua đời do biến chủng Omicron.
Israel tuần trước cũng báo cáo một ca tử vong nghi do chủng Omicron, song Trung tâm Y tế Đại học Soroka ở Beersheba sau đó xác nhận lại bệnh nhân này nhiễm chủng Delta. Trên thế giới mới có 3 quốc gia khác đã ghi nhận ca tử vong vì Omicron gồm Anh, Mỹ và Australia.
Trong số 8 bệnh nhân nhiễm Omicron còn lại đang điều trị ở Israel, một nửa chưa được tiêm vaccine, trong đó hai người đang nguy kịch. Người phụ nữ 84 tuổi tử vong đã tiêm đủ hai liều vaccine và mũi tăng cường, nhưng hiện chưa rõ bà có mắc bệnh nền nào không.
Bộ Y tế Israel cùng ngày báo cáo 623 ca nhiễm mới chủng Omicron, nâng tổng ca Omicron ở nước này lên 1.741.
Do ảnh hưởng từ biến chủng Omicron, Israel đang chứng kiến ca nhiễm nCoV tăng đáng kể, dù đây là quốc gia tiêm chủng hàng đầu thế giới. Nước này hôm 27/12 ghi nhận thêm hơn 3.000 ca nCoV, cao nhất trong vòng 3 tháng.
Thủ tướng Israel Naftali Bennett kêu gọi người dân "thận trọng hơn và đề cao trách nhiệm cá nhân để bảo vệ những người dễ bị tổn thương". "Người đã tiêm đủ vaccine được bảo vệ khá tốt trước nguy cơ bệnh nặng, nhưng phải tính đến khả năng họ bị nhiễm virus", ông nói. "Vaccine giảm tốc độ lây nhiễm, nhưng không ngăn ngừa được virus hoàn toàn".

Nhân viên y tế tiêm mũi vaccine Covid-19 thứ tư tại Trung tâm Y tế Sheba, Israel, hôm 27/12. Ảnh: Reuters.
Dù ca nhiễm ở Israel liên tục gia tăng, nước này không chứng kiến số ca nhập viện hay tử vong vì Covid-19 tăng đột biến. Israel đã ghi nhận hơn 8.200 người chết vì đại dịch trong tổng số hơn 1,3 triệu ca nhiễm.
Israel hôm 27/12 bắt đầu tiêm thử nghiệm liều vaccine Covid-19 thứ tư cho các nhân viên tại Trung tâm Y tế Sheba, gần thủ đô Tel Aviv. Israel gọi đây là nghiên cứu lớn đầu tiên về khả năng đối phó biến chủng Omicron trên những người được tiêm hai liều vaccine tăng cường, sau khi tiêm đủ liều vaccine cơ bản.
Dù chưa có bằng chứng vững chắc, nhóm cố vấn của chính phủ Israel chỉ ra những dấu hiệu cho thấy khả năng miễn dịch suy giảm sau vài tháng tiêm mũi thứ ba và cảnh báo chậm trễ tiêm liều thứ tư có thể khiến Israel không thể bảo vệ nhóm có nguy cơ cao nhất.
Israel là nước đi đầu thế giới về triển khai tiêm vaccine và sau đó là tiêm mũi tăng cường. Hơn 63% trong dân số 9,4 triệu người của Israel đã được tiêm hai liều vaccine, trong khi khoảng 45% người đã tiêm mũi thứ ba.
Ngọc Ánh (Theo Times of Israel)