![A chlorine-tinged cloud of smoke rises into the air from a bomb detonated by Iraqi army and Shi'ite fighters from Hashid Shaabi forces, in the town of al-Alam in Salahuddin province March 10, 2015. Islamic State fighters traded sniper fire and mortar rounds with Iraqi troops...](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2015/11/06/download-1661-1446795017.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=VWnsYfJ46mWzT6uANmFviw)
Cột khói màu giống khí độc chlorine xuất hiện sau khi quân đội Iraq kích nổ một quả bom sót lại ở thị trấn al-Alam, tỉnh Salahuddin, ngày 10/3. Ảnh: Reuters.
Khí độc mù tạt gần đây đã được sử dụng trong giao tranh giữa các nhóm phiến quân, AFP hôm qua dẫn nguồn tin từ Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW) cho biết.
Theo kết luận từ OPCW, chất độc mù tạt xuất hiện lần đầu hôm 21/8 trong đợt giao tranh giữa Nhà nước Hồi giáo (IS) và phe đối lập chính phủ Syria ở thành phố Marea, phía bắc Aleppo. Chất độc làm ảnh hưởng đến sức khỏe của hàng chục dân thường tại thành phố này.
Các chuyên gia OPCW chưa xác nhận bên nào dùng loại chất kịch độc này. Tuy nhiên, nguồn tin từ các nhà hoạt động Syria ở hiện trường thời điểm đó cho biết IS đã bắn 50 quả đạn cối có chứa chất độc mù tạt. Một quả rơi trúng vào nhà dân thường khiến 4 thành viên trong gia đình phải nhập viện.
Theo lời kể của những nạn nhân này, sau khi nghe thấy tiếng nổ, họ thấy một chất khí vàng đặc bao trùm cả phòng khách. Họ được đưa đến viện một giờ sau đó với các triệu chứng khó thở, bỏng da, mắt đỏ và viêm kết mạc.
Một báo cáo mật đã được trình lên ủy ban đặc biệt của OPCW, dự kiến nhóm họp tại La Haye (The Hague) vào cuối tháng 11 rồi đưa ra kết luận chính thức.
Khí độc mù tạt lần đầu tiên được sử dụng tại Bỉ bởi quân đội Đức vào năm 1917. Năm 1993, Liên Hợp Quốc xếp chất này vào danh sách chất hóa học cấm sử dụng trong chiến tranh.
Nguyễn Hoàng