Nhiều người dân sống gần thành phố cổ Hatra, phía bắc Iraq, hôm qua nghe thấy hai tiếng nổ lớn, sau đó thấy các phiến quân IS phá hủy di tích này, AP dẫn lời một quan chức thuộc Bộ Du lịch và Di tích của Iraq.
Saeed Mamuzini, một quan chức thuộc lực lượng người Kurd ở Mosul cho hay các phiến quân mang các đồ tạo tác cổ ra khỏi Hatra từ sớm ngày 5/3 và bắt đầu phá hủy thành phố cổ 2.000 năm tuổi này.
Hatra cách thành phố Mosul hơn 100 km về phía tây nam, là thành phố phòng vệ lớn trong thời kỳ của Đế chế Parthia và cũng là thủ phủ của Vương quốc Arab đầu tiên. Hatra, di tích được UNESCO công nhận, từng trụ vững trước sự xâm lược của Đế chế La Mã cổ đại vào năm 116 và 198 trước Công nguyên nhờ những bức tường cao và dày được củng cố bằng các pháo đài vững chắc.
Các phiến quân cực đoan IS đang thực hiện chiến dịch xóa bỏ các di tích cổ mà chúng coi là "thúc đẩy tư tưởng sùng bái thần, vi phạm sự diễn giải cơ bản của luật Hồi giáo". IS tuần trước công bố một đoạn video cho thấy chúng đập vỡ các di tích ở bảo tàng Mosul. Hồi tháng một IS còn đốt hàng trăm cuốn sách ở thư viện thành phố này và của Đại học Mosul, gồm nhiều bản viết tay cổ quý hiếm.
Những kẻ cực đoan IS hôm 6/3 đập phá các đồ tạo tác ở Nimrud, một thành phố cổ 3.000 năm tuổi ở Iraq, sau đó san phẳng thành phố. Một số nhà khảo cổ học cùng chuyên gia về di sản so sánh vụ việc với việc phiến quân Taliban phá hủy tượng Phật ở Bamiyan, Afghanistan, năm 2001. Bộ trưởng Du lịch Iraq Adel Shirshab lo ngại Hatra cũng chịu chung số phận.
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon gọi các hành động phá hoại các di tích văn hóa là "tội phạm chiến tranh".
Các phiến quân IS đang giữ quyền kiểm soát nhiều khu vực lãnh thổ của Iraq và Syria. Chúng cũng đang mở rộng hoạt động ở Libya, lợi dụng tình trạng bất ổn chính trị ở nước này. Quân đội Iraq và lực lượng người Kurd đang tích cực triển khai chiến dịch truy quét IS trên bộ, cùng với sự hỗ trợ trên không của Mỹ và nhiều nước đồng minh.
Khánh Lynh