Một số bất thường trong đoạn video được đăng tải ngày 15/2 quay cảnh IS chặt đầu 21 người Ai Cập theo Cơ đốc giáo cho thấy vụ hành quyết có thể diễn ra trong một trường quay, trước phông nền xanh. Trong khi đó, bối cảnh được thêm vào sau có thể từ vịnh Sirte, Địa Trung Hải, thuộc vùng bờ biển phía bắc Libya, Veryan Khan, người đứng đầu tổ chức Nghiên cứu và Phân tích Khủng bố tại Mỹ (TRAC) nhận định. "Một vài lỗi kỹ thuật trong đoạn video hé lộ rằng IS có thể đã ngụy tạo một số phân cảnh", bà nói thêm.
Theo bà Khan, phát ngôn viên của IS trong đoạn video được gọi ký hiệu bằng cái tên "Jihad Joseph" trông lớn hơn nhiều so với mặt biển ở đằng sau trong cả cảnh quay gần và bao quát. Điều này có nghĩa là hắn ta có thể được quay trong nhà và cảnh biển được thêm vào sau đó.
Đạo diễn phim kinh dị của Hollywood, giáo sư tại Đại học New York, Mary Lambert cũng ủng hộ ý kiến của bà Khan. "Cảnh quay trông thực sự giả khi các chiến binh cực đoan hiện lên rất cao còn những nạn nhân Cơ đốc giáo thì rất thấp", Lambert nói. Các chiến binh cực đoan dường như cao trên 2 m, cao hơn các nạn nhân khoảng 60 cm. "Phần cận cảnh các chiến binh trên bãi biển có khả năng lớn là quay trên phông nền xanh".
Các chuyên gia cũng phát hiện ra lỗi trong cảnh quay nạn nhân cuối cùng bị hành quyết. "Cảnh này không thể hiện đúng dòng chảy của máu khi bị chặt đầu và IS có thể đã sử dụng máu giả làm bằng bột ngô", bà Khan nói.
Máu người khi gặp khí oxy sẽ chuyển sang màu sẫm nhưng máu trong video thì không, cho thấy có nhiều khả năng các vụ xử tử không được thực hiện cùng một thời điểm, trái ngược với tuyên bố của IS.
Bà Khan cũng chỉ ra rằng hai dấu chân trên bãi cát trong đoạn phim rất đáng ngờ. "Nếu video thật sự được quay trên bờ biển, cát sẽ mềm hơn và dấu chân của nạn nhân sẽ lún sâu hơn", bà nói.
Ngoài ra, tiếng sóng biển trong video của IS có thể là một đoạn âm thanh phổ biến. Cảnh máu của nạn nhân nhuốm đỏ nước biển ở đoạn cuối video cũng có thể là giả. Nhà phân tích pháp y của TRAC cho rằng cảnh này "có thể được tạo ra bằng hiệu ứng máy tính".
Tuy nhận định rằng đoạn video có những phần dàn dựng, Lambert cho rằng cảnh một loạt tù nhân quỳ xuống trên bãi biển có thể là thật, mặc dù bà nói thêm rằng "nó có thể được làm nổi bật bằng một cách nào đó". Không chuyên gia nào bày tỏ hy vọng rằng các nạn nhân vẫn còn sống.
Theo bà Khan, mục đích IS dàn dựng ngoại cảnh trong video có thể nhằm che giấu vị trí thật và tránh để chiến binh xuất hiện ngoài trời, giảm nguy cơ bị "máy bay không người lái và vệ tinh phát hiện".
Một ngày sau khi đoạn video được tung ra, chiến đấu cơ Ai Cập ném bom thành phố cảng phía đông gần Tripoli, địa điểm Cairo cho là nơi đoạn video được quay. Các quan chức Ai Cập không đưa ra bình luận về đoạn video, nhưng Edward Yeranian, một phóng viên tại Ai Cập cho biết các chuyên gia nước này cũng hoài nghi về tính xác thực của đoạn phim. "Ngay cả số lượng người bị chặt đầu vẫn đang là vấn đề tranh cãi", Yeranian nói.
Phương Vũ (Theo Fox News)