Ahmet Uzumcu, đứng đầu Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OPCW), nói các đội tìm hiểu tình hình thực tế phát hiện bằng chứng khí lưu huỳnh mù tạt đã được sử dụng trong những đợt tấn công ở Iraq và Syria.
"Dù họ không thể quy trách nhiệm cho Daesh nhưng có khả năng cao chính nhóm phiến quân là bên sử dụng (vũ khí hóa học)", AFP dẫn lời ông Uzumcu hôm qua phát biểu bên lề hội nghị kéo dài ba ngày tại trụ sở OPCW, The Hague, Hà Lan, sử dụng tên Arab của Nhà nước Hồi giáo (IS). "Nghi ngờ thứ hai là chúng có thể tự sản xuất vũ khí hóa học, điều cực kỳ đáng ngại".
Theo ông Uzumcu, điều đó chứng tỏ IS có công nghệ, biết cách làm và cách tiếp cận nguyên liệu. Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) John Brennan hồi tháng 2 nói với CBS News rằng phiến quân IS có khả năng chế tạo lượng nhỏ khí chlorine và khí mù tạt.
Ông Uzumcu không nêu rõ vũ khí hóa học được dùng trong đợt tấn công nào.
Hãng thông tấn quốc gia Syria SANA đưa tin IS tháng trước dùng khí độc chết người tấn công binh sĩ chính phủ tại căn cứ không quân ngoại ô thành phố miền đông Deir Ezzor. Ngày 9/3, IS bị nghi tấn công bằng khí độc vào thị trấn Taza, phía nam thành phố Kirkuk, Iraq, làm ba trẻ em thiệt mạng và khoảng 1.500 người bị thương, từ bỏng đến phát ban, khó thở.
Vũ khí hoá học chưa phải là loại vũ khí hiệu quả nhất của IS nhưng tác động tâm lý của nó đối với dân thường rất đáng kể. 25.000 người dân ở trong và quanh Taza đã rời bỏ nhà cửa tháng trước do lo sợ bị tấn công lần nữa.
Ông Uzumcu kêu gọi các quốc gia khác cảnh giác, đề phòng các vụ tấn công vũ khí hóa học xảy ra ngoài Syria và Iraq.
Nga tháng trước thúc đấy các biện pháp tại Liên Hợp Quốc nhằm theo dõi các nhóm cực đoan đang hoạt động ở Syria, cảnh báo một "mối đe dọa rõ ràng" rằng chúng có thể tấn công vũ khí hóa học, khả năng cao ở châu Âu. Nga và Trung Quốc còn trình dự thảo nghị quyết Hội đồng Bảo an kêu gọi mọi quốc gia, đặc biệt là những nước giáp Syria như Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, báo cáo mọi hoạt động của các nhóm vũ trang muốn sở hữu hoặc sản xuất vũ khí hóa học.
Như Tâm