Sau vụ khủng bố đẫm máu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo tại Paris ngày 13/11, Anonymous đã tuyên bố tấn công lại IS trên Internet. Chỉ sau một ngày, chiến dịch mang tên #OpParis đã đánh sập hơn 5.500 tài khoản liên quan tới IS trên Twitter cũng như bắt đầu công khai danh tính của ít nhất 5 người liên quan đến tổ chức này. Thậm chí, một trong những trang web tuyên truyền chính của Phiến quân Nhà nước Hồi Giáo đã phải chuyển vào web chìm (Dark Web).
Tuy nhiên, Anonymous không phải là nhóm hacker đầu tiên tổ chức tấn công mạng chống lại IS. Theo Bussiness Insider, hồi tháng 1/2015, một nhóm khác có tên Ghost Security Group đã đánh sập hàng chục nghìn tài khoản Twitter, được cho là có liên quan đến Phiến quân Nhà nước Hồi Giáo. Sau đó, nhiều dữ liệu về danh tính các tài khoản trên được giao lại cho chính phủ Mỹ. Trong đó, có cả những cái tên được cho là thành viên chủ chốt điều hành trang web chìm chuyên về tuyên truyền của IS.
Michael S. Smith, cố vấn chống khủng bộ của Quốc hội Mỹ, đánh giá cao sự hỗ trợ từ những tổ chức trên Internet nhằm chống lại khủng bố. Những dữ liệu mà chính phủ nhận được từ các nhóm hacker đã giúp ích nhiều cho các quốc gia hiện nay. Theo Smith, hồi tháng 6, một âm mưu tấn công tại Tunisia đã bị phá từ những bức hình mà Ghost Security Group cung cấp, cho thấy những liên lạc nội bộ từ tổ chức khủng bố.
Thực tế, vụ khủng bố tại Paris vừa qua cùng với lời tuyên chiến từ Anonymous đang làm tăng lên những nỗ lực và cuộc tấn công từ Internet, nhằm ngăn chặn nguy cơ khủng bố ngoài đời thật. Nhiều cuộc tấn công từ chối dịch vụ (DDos) đã nhắm vào các trang web bị nghi ngờ.
Tuy nhiên, cũng có cảnh bảo rằng sự giúp đỡ như vậy từ bên ngoài có thể làm ảnh hưởng đến những kế hoạch chống khủng bố mà chính phủ Mỹ và các quốc gia khác đang triển khai. Hay IS có thể phát động chiến tranh mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng mạng của các quốc gia, gây thiệt hại về cả kinh tế lẫn con người.
Cựu Giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) và Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), tướng Mike Hayden đánh giá cao hoạt động của các tổ chức như Ghost Security Group. Nhưng ông cũng cho rằng, luật pháp và quy định của Mỹ rất nghiệm ngặt và vẫn có những giới hạn với hành động tấn công mạng như những giúp đỡ ở trên.
Điều dễ làm nhất để giúp chính phủ trong nỗ lực chống khủng bố trên Internet mà không gây ra những ảnh hưởng là khiếu nại với những công ty Internet như Twitter, YouTube của Google hay Facebook về tài khoản liên quan đến khủng bố. Gần đây, những công ty này đã phản ứng rất nhanh với các khiếu nại.
Facebook hiện cấm bất kỳ hành động cổ vũ liên quan đến "khủng bố" (terrorist) trên mạng xã hội. YouTube gỡ các video liên quan đến bạo lực chỉ trong vài giờ. Twitter cũng nhanh chóng khoá tài khoản có dữ liệu dính dáng đến các tổ chức khủng bố. Chính áp lực từ Twitter mới đây đã khiến phiến quân Nhà nước Hồi Giáo phải di chuyền các tài khoản tuyên truyền của mình về dịch vụ khác là Telegram.
Mỹ Anh