"Người Turk nói họ thiết tha chiến đấu với Nhà nước Hồi giáo (IS). Tôi xin nói thẳng rằng tôi không thấy có bằng chứng nào thể hiện điều đó. Tôi hy vọng họ sẽ thể hiện nhiều hơn", CNBC dẫn lời Thủ tướng Iraq Haider al-Abadi phát biểu trong cuộc phỏng vấn hôm qua tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ.
Theo Thủ tướng Abadi, Thổ Nhĩ Kỳ coi cộng đồng người Kurd tại nước này là vấn đề nghiêm trọng hơn so với IS. Ông kêu gọi Ankara chuyển mục tiêu "từ người Kurd sang IS, nhóm khủng bố chiếm nhiều phần lãnh thổ rộng lớn ở Iraq và Syria từ năm 2014".
Baghdad sẵn sàng cải thiện quan hệ với Ankara nhưng việc Thổ Nhĩ Kỳ điều binh sĩ đến Iraq "không giúp ích gì", ông cho biết thêm. "Tôi nghĩ Thổ Nhĩ Kỳ đang muốn quay lại thời Đế chế Ottoman".
Thổ Nhĩ Kỳ tháng trước điều khoảng 150 binh sĩ, cùng vũ khí hạng nặng và 20 đến 25 xe tăng, đến ngoại ô thành phố Mosul, thủ phủ tỉnh Nineveh, Iraq. Ankara thông báo mục đích điều động là huấn luyện các tay súng Peshmerga người Kurd ở Iraq đối phó IS.
Ông Abadi tố động thái trên gây ra "hàng loạt căng thẳng" và không có lý do nào Thổ Nhĩ Kỳ lại điều quân vào sâu trong lãnh thổ Iraq như vậy. Chiến đấu cơ Thổ Nhĩ Kỳ còn thường xuyên xuất kích tấn công vào những mục tiêu họ tuyên bố là IS ở miền bắc Iraq, khiến Baghdad tức tối vì bị "xâm phạm chủ quyền".
Theo ông Mehmet Kaya, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tigris ở Thổ Nhĩ Kỳ, việc nước này điều quân tới Iraq là một động thái nhằm ngăn ngừa người Kurd đi theo đảng PKK, một lực lượng chính trị đòi độc lập cho người Kurd ở khu vực biên giới, và bị Ankara liệt vào danh sách khủng bố.
Như Tâm