![]() |
Hai mẹ con người phụ nữ Iraq trở về nhà sau khi lấy nước sông ở Kut, phía nam Baghdad ngày 9/6. |
Trong căn bếp dài chưa đầy mét rưỡi, Nada Abdu al Amir đang đun nước. Trên bếp, chiếc ấm to dùng nấu nước cho cả nhà sôi sùng sục, Abdu đang khử trùng chiếc bình sữa cho đứa con gái.
Vòi nước của gia đình này có vẻ vẫn hoạt động bình thường, nếu không muốn nói là nước nhìn trong veo, nhưng Abdu vẫn thường xuyên giơ ly nước lên trời để soi xem liệu có mảnh vụn nào lẫn trong đó không. “Nếu có đủ chất đốt, có lẽ chúng tôi đun nước cả ngày. Nhưng dù có làm thế đi chăng nữa thì lũ trẻ vẫn ốm”, Abdu nói.
Sma, đứa con gái hai tháng tuổi của cô, bị tiêu chảy đã 20 ngày nay. Da của Sma tái nhợt và bé quằn người vì đau khi được mẹ ẵm lên. “Khi sinh ra, cháu nặng 4kg. Nhưng vì bị tiêu chảy nên Sma bị giảm cân và giờ chỉ được 3kg. Làm ơn nói với ông Bush hãy cải thiện điều kiện sống của chúng tôi. Có rất, rất nhiều vấn đề, nhưng vấn đề đầu tiên là nước”, cô nói.
Đã từ lâu, Iraq gặp khó khăn về nước và vệ sinh, nhưng không phải hầu hết số đó liên quan đến chiến tranh. Dưới thời Saddam Hussein, hệ thống cung cấp nước được tập trung hoá: Chính quyền trung ương trả lương cho nhân viên các nhà máy xử lý nước cũng như cung cấp thuốc tẩy và thiết bị thay thế. Nhưng lệnh trừng phạt kinh tế của LHQ đã khiến họ không có khả năng thay thế những bộ phận cũ, hỏng.
Các tổ chức nhân đạo quốc tế ngày càng quan tâm hơn đến vấn đề nước sạch khi nhiệt độ tại Baghdad đang dần lên cao trong những tháng mùa hè, mà cao điểm là vào tháng 6 và tháng 7. Megan Chisholm, giám đốc một chương trình hỗ trợ khẩn cấp của CARE, cho biết: “Cơ sở hạ tầng của Iraq xuống cấp nghiêm trọng. Các trạm cung cấp nước không hoạt động hết công suất và nhiều đường ống bị thủng làm cho nước bị nhiễm bẩn. Vì thế, dù nước được bơm lên từ nhà máy là nước sạch thì khi đến với người dùng nó đã biến thành nước thải”.
Nhà máy xử lý nước thải El Rustamiyah ở phía nam Baghdad không bị ảnh hưởng trong các đợt không kích của liên quân nhưng lại bị cướp phá. Dây điện vương vãi khắp nơi, bảng điện bị đập vỡ, máy phát bị kéo ra ngang cửa và vẫn nằm trên mặt đất.
Lính Mỹ đang đứng gác những gì còn sót lại của nhà máy này. Một vài người Iraq cũng được thuê để làm việc đó. Faisal al Jubari, người phụ trách nhóm bảo vệ tại nhà máy, cho biết hàng trăm kẻ cướp bóc đã đến đây. Đến ngày 10/4 mọi thứ đã bị lấy đi hết. Bây giờ, nước thải chảy trực tiếp ra dòng sông Tigris.
Giới chức lâm thời do Mỹ đứng đầu và một số tổ chức nhân đạo quốc tế đang nỗ lực cải thiện tình hình. UNICEF đã cử 30 nhóm tới điều tra tình trạng nước ở phía nam Iraq. Họ phát hiện rằng tại một phần ba những nơi được kiểm tra, người dân không có nước vì đường ống đã bị đục từ trước đó.
Tại El Washash, đường phố như một dòng sông đầy rác thải và mùi hôi hám bốc lên nồng nặc. Học sinh vẫn đi qua đây để đến trường. Những người dân sống gần đó bàn tán về bệnh tiêu chảy và nhiều đứa trẻ đã phải nhập viện vì căn bệnh này. Etimad Munrer nói: “Đứa con gái một tuổi của tôi đã phải đến bệnh viện Saddam sau khi uống nước lã. Tôi biết là phải đun sôi nước lên nhưng gas thì quá đắt và phải xếp hàng rất lâu mới mua được, vì thế không phải lúc nào cũng có nước sôi. Tôi nghe nói một đứa trẻ bảy tháng tuổi vừa chết hôm qua. Chúng tôi không thể chấp nhận tình trạng này”.
Ngọc Sơn (theo KRT)