"Chúng tôi nhận được một yêu cầu về không lực từ chính quyền Iraq", Reuters dẫn lời Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ Martin Dempsey nói trong phiên điều trần trước Thượng viện hôm qua. "Việc đối phó với phiến quân ở bất kỳ vị trí nào chúng tôi phát hiện được, nằm trong lợi ích an ninh quốc gia Mỹ".
Các quan chức Mỹ giấu tên nói rằng đề nghị của Iraq bao gồm không kích bằng máy bay không người lái và tăng cường sự giám sát từ những thiết bị này.
Baghdad trước đó muốn Mỹ không kích vào quân nổi dậy do chiến binh từ lực lượng tự xưng "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Cận Đông" (ISIL) lãnh đạo. ISIL mới đây tấn công nhà máy lọc dầu lớn nhất của Iraq tại Baiji, phía bắc Baghdad. Nhà máy trên đóng cửa hôm 17/6. Nhóm phiến quân chiếm giữ nhiều đơn vị sản xuất, tòa nhà hành chính và 4 tháp quan sát, tương đương 75% diện tích nhà máy.
Theo Ngoại trưởng Iraq Hoshyar Zebari, Baghdad đề nghị Mỹ không kích nhằm "làm suy sụp tinh thần chiến đấu" của ISIL.
Theo thông tin từ Nhà Trắng, Tổng thống Barack Obama hôm qua thông báo với Quốc hội Mỹ về những nỗ lực nhằm đưa các nhà lãnh đạo Iraq vào "chương trình nghị sự giữa các phe phái", đồng thời xem xét khả năng "tăng cường hỗ trợ an ninh" cho Iraq. Ông Obama đang phải đối mặt với áp lực từ những nhà lập pháp Mỹ trong việc thuyết phục Thủ tướng Iraq Nuri al-Maliki từ chức bởi ông này thất bại trong vai trò lãnh đạo khi đối mặt với các cuộc nổi dậy đe dọa quốc gia.
Washington hồi đầu tuần điều động một tàu sân bay tới vùng Vịnh, đồng thời triển khai quân nhân để đảm bảo an ninh cho Đại sứ quán Mỹ ở Baghdad. Ông Obama đang cân nhắc các lựa chọn để đối phó với tình hình Iraq nhưng loại trừ khả năng đưa binh sĩ Mỹ trở lại quốc gia này.
Như Tâm