"Chúng tôi có thông tin cho biết hải quân Mỹ đã điều bốn tàu chiến và một trinh sát cơ P-8A Poseidon đến vùng Caribbe. Nếu nước Mỹ định gây bất ổn trên các tuyến hàng hải quốc tế, giống những tên cướp biển, họ sẽ tạo ra rủi ro lớn và phải gánh chịu hậu quả", hãng tin Nour thân cận với Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran hôm qua cho biết trong một bản tin.
Phát biểu được đưa ra sau khi quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Donald Trump tiết lộ Mỹ đang xem xét biện pháp phản ứng việc Iran điều tàu chở dầu đến Venezuela. Ngành dầu mỏ của Caracas và Tehran đều đang hứng chịu nhiều lệnh cấm vận từ Washington.
Dữ liệu từ phần mềm theo dõi Refinitiv Eikon hôm 13/5 cho thấy tàu chở dầu hạng trung Clavel của Iran vượt kênh đào Suez và đang hướng tới Venezuela sau khi nhận hàng ở cảng Bandar Abbas. Lô hàng này có thể giúp hạn chế tình trạng khan hiếm nhiên liệu tại quốc gia Nam Mỹ.
Venezuela có năng lực sản xuất 1,3 triệu thùng dầu/ngày, nhưng cơ sở hạ tầng lọc hóa dầu của nước này đã bị đình trệ do khủng hoảng kinh tế, dẫn tới tình trạng thiếu nhiên liệu khắp cả nước. Quan chức Venezuela tháng trước cho biết Iran đã gửi nhiều thiết bị và nguyên liệu bằng đường hàng không để hỗ trợ khởi động nhà máy lọc dầu Cardon với công suất 310.000 thùng/ngày.
Căng thẳng Mỹ - Venezuela leo thang gần đây sau khi Caracas phá âm mưu bắt cóc, lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro và bắt nhiều lính đánh thuê, trong đó có hai cựu đặc nhiệm Mỹ. Chính quyền Venezuela cáo buộc thủ lĩnh đối lập Juan Guaido đã phối hợp với Nhà Trắng lên kế hoạch chiến dịch, trong khi Tổng thống Trump và nhiều quan chức Mỹ bác bỏ mọi liên hệ.
Tuy nhiên, căng thẳng Mỹ - Iran cũng có một số dấu hiệu tích cực. Washington rút bớt lá chắn phòng không Patriot khỏi Trung Đông, cho rằng mối đe dọa từ Tehran đã giảm bớt. Một tàu chở dầu của Iran năm ngoái bị đặc nhiệm Anh bắt với lý do vi phạm lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu, nhưng sau đó được thả.
Vũ Anh (Theo Reuters)