"Tiếp tục các hành vi bất hợp pháp sẽ không thể thay đổi được lập trường hợp lý, hợp pháp và dựa trên luật pháp quốc tế của Iran", Bộ ngoại giao Iran hôm nay ra tuyên bố cho biết, đồng thời lên án "áp lực từ Mỹ nhằm vào các đối tác thương mại và kinh tế" của họ.
Bộ Ngoại giao Iran nhấn mạnh những biện pháp trừng phạt mà Tổng thống Donald Trump đưa ra chỉ gây nên "hoài nghi và ngờ vực sâu sắc về mức độ nghiêm túc của Mỹ trên con đường ngoại giao".
Tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống Trump hôm 1/5 cảnh báo sẽ thực thi các lệnh trừng phạt, kêu gọi tẩy chay dầu mỏ và các sản phẩm hóa dầu của Iran trên toàn cầu. "Hoạt động mua dầu mỏ hoặc sản phẩm hóa dầu của Iran phải dừng lại ngay bây giờ! Mọi quốc gia hay cá nhân mua những sản phẩm này từ Iran sẽ lập tức phải chịu các lệnh trừng phạt thứ cấp", ông viết trên mạng xã hội.

Ngoại trưởng Iran phát biểu với truyền thông tại Beirut, Lebanon, tháng 10/2024. Ảnh: Reuters
Iran trước đó cho biết vòng đàm phán hạt nhân thứ tư với Mỹ tại Rome hôm 26/4 đã bị hoãn lại. Oman, quốc gia làm cầu nối cho các cuộc đàm phán, nói rằng điều này bắt nguồn từ "lý do hậu cần" và thời điểm diễn ra vòng đàm phán mới sẽ được công bố khi hai bên thống nhất.
Tehran và Washington đã tổ chức ba vòng đàm phán kể từ ngày 12/4. Đây là các cuộc tiếp xúc cấp cao nhất giữa hai bên kể từ năm 2018, khi ông Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran.
Nỗ lực đối thoại diễn ra giữa lúc Tehran tìm cách nới lỏng các lệnh trừng phạt đang làm tê liệt nền kinh tế. Trong khi đó, Tổng thống Trump duy trì chiến lược "gây sức ép tối đa" và liên tục đe dọa dùng vũ lực nhằm tìm kiếm thỏa thuận ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân.
Lệnh trừng phạt mới nhất của Washington nhằm vào Tehran được công bố hôm 30/4, nhắm vào 7 công ty bị cáo buộc vận chuyển các sản phẩm dầu mỏ có nguồn gốc từ Iran.
Iran khẳng định phát triển chương trình hạt nhân vì mục đích hòa bình. Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi tin rằng nước này có thể đạt thỏa thuận với Mỹ, miễn là Washington tránh "những yêu cầu phi thực tế".
Một quan chức cấp cao Iran nói lập trường của nước này là không bao giờ đồng ý tháo dỡ các máy ly tâm làm giàu uranium, ngừng làm giàu hoàn toàn hoặc giảm kho dự trữ uranium đã làm giàu xuống dưới mức trong thỏa thuận năm 2015.
Iran và các cường quốc năm 2015 ký thỏa thuận mang tên Kế hoạch Hành động Toàn diện chung (JCPOA), trong đó Tehran đồng ý hạn chế chương trình hạt nhân để được nới lỏng các lệnh trừng phạt. Trong nhiệm kỳ đầu, ông Trump rút Mỹ khỏi JCPOA và tiếp tục áp trừng phạt lên Iran. Đáp lại, Tehran sau đó dần từ bỏ tuân thủ nhiều cam kết về kiểm soát hạt nhân.
Vũ Hoàng (Theo AFP)