Thứ trưởng Ngoại giao Iran về các vấn đề pháp lý, Reza Najafi, hôm 18/1 triệu Đại sứ Hàn Quốc Yun Kang-hyeon để phản đối "những nhận xét theo chủ nghĩa can thiệp" của Tổng thống Yoon, hãng thông tấn IRNA cho hay.
Najafi "chỉ ra mối quan hệ thân thiện và sâu sắc của Cộng hòa Hồi giáo Iran với hầu hết quốc gia Vùng Vịnh", mô tả bình luận của Tổng thống Hàn Quốc là "can thiệp" và "phá hoại hòa bình, ổn định trong khu vực".
Tại buổi nói chuyện với quân nhân Hàn Quốc đóng tại Abu Dhabi, thủ đô Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) đầu tuần này, Tổng thống Yoon nói Hàn Quốc và UAE đang ở trong hoàn cảnh "rất giống nhau", Hàn Quốc đối mặt Triều Tiên trong khi UAE đối mặt Iran là "kẻ thù, mối đe dọa lớn nhất".
Bình luận này gây ra tranh cãi giữa Seoul và Tehran, vào thời điểm mối quan hệ vốn đã căng thẳng về các khoản tiền bị đóng băng của Iran ở Hàn Quốc và những cáo buộc giao dịch vũ khí giữa Iran và Triều Tiên.
Văn phòng ông Yoon cho biết bình luận của ông nhằm khuyến khích binh lính, trong khi Bộ Ngoại giao Hàn Quốc hôm 17/1 cho biết đã giải thích cho Tehran và cam kết việc phát triển quan hệ song phương vẫn không thay đổi.
Nghị sĩ đối lập Hàn Quốc gọi sự việc là "thảm họa ngoại giao" và một số thành viên trong đảng của ông Yoon cũng nói rằng lẽ ra ông nên cẩn trọng hơn.
Trong buổi triệu Đại sứ Hàn Quốc, Thứ trưởng Ngoại giao Iran cũng cáo buộc Seoul theo đuổi "cách tiếp cận không thân thiện" đối với Tehran, chỉ trích các khoản tiền bị đóng băng của nước này. "Việc Hàn Quốc không có hành động hiệu quả để giải quyết những vấn đề nêu trên sẽ khiến Iran phải xem xét lại các mối quan hệ", Najafi nói.
Iran đã nhiều lần yêu cầu giải phóng khoảng 7 tỷ USD, bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ, tại các ngân hàng Hàn Quốc. Mỹ hồi năm 2018 tái áp đặt các lệnh trừng phạt đối với Iran sau khi tổng thống khi đó Donald Trump rút khỏi hiệp định hạt nhân năm 2015 của Tehran với 6 cường quốc.
Hàn Quốc từng là một trong những khách hàng mua dầu thô lớn nhất của Iran ở châu Á và hai bên đã đàm phán về cách giải phóng các quỹ, nối lại giao dịch dầu mỏ, sau khi các cuộc đàm phán để khôi phục thỏa thuận năm 2015 được khởi động vào năm ngoái.
Huyền Lê (Theo Reuters)