![]() |
Một chiếc ôtô bị vùi trong đống gạch vụn ở Bam. |
Tờ Hayat-e No trích lời Chủ tịch Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao (SNSC) Hassan Rohani: "SNSC sẽ sớm thảo luận một kế hoạch di chuyển thủ đô khỏi Tehran". Ông cho biết thêm, kế hoạch trọng đại này đã từng được SNSC đề xuất từ năm 1991 nhưng phải đình lại do gặp nhiều ý kiến phản đối.
![]() |
Một góc thủ đô Tehran. |
Hassan Rohani không nói rõ Iran sẽ chọn địa điểm nào làm trung tâm chính trị mới của đất nước. Phát ngôn viên của chính phủ là Abdollah Ramazanzadeh thì cho biết, việc thay đổi thủ đô đã được thảo luận từ năm 1989 do dân số tại thành phố Tehran quá đông, giao thông lộn xộn, môi trường bị ô nhiễm nặng và nguy cơ xảy ra động đất cao.
Hiện Tehran có khoảng 12 triệu người và các nhà nghiên cứu địa chấn cảnh báo, nếu xảy ra động đất mạnh, thủ đô Iran sẽ phải chứng kiến một thảm hoạ còn khủng khiếp hơn nhiều so với thành phố Bam sau ngày định mệnh 26/12/2003.
![]() |
Một công trình cổ ở cố đô Isfahan. |
Một giáo sư khoa địa vật lý tại Đại học Tehran là Bahram Akasheh dự đoán, nếu Tehran xảy ra động đất với mức độ mạnh tương tự như ở Bam vừa qua, con số người chết có thể lên tới hơn 700.000 người. Ông đã viết cho Tổng thống Mohammad Khatami một lá thư đề nghị chuyển thủ đô tới thành phố miền trung Isfahan, kinh đô của Iran thế kỷ 16 dưới thời Shah Abbas Đại đế. Vị trí đô thành đã được chuyển từ Isfahan tới Tehran từ năm 1788.
Giới chức chính phủ Iran cũng thừa nhận, nhiều toà nhà ở Tehran cũng như một số thành phố lớn khác không đủ sức bền như thiết kế và dễ dàng sụp đổ bất cứ lúc nào chỉ trong một trận động đất có mức độ vừa phải.
Lần xảy ra động đất lớn gần đây nhất ở Tehran là năm 1830, nhưng hàng năm thủ đô của Iran vẫn thường xuyên phải trải qua nhiều cơn chấn động lớn nhỏ. Trận động đất vừa qua ở thành cổ Bam đã làm chết hơn 30.000 người, trong đó có khoảng 1.200 thày giáo và chừng 10.000 học sinh. Khoảng 90% các ngôi nhà ở Bam bị phá hủy trong thảm hoạ thiên nhiên này.
Đình Chính (theo Reuters, AP)