![]() |
Một chiếc máy bay chở khách Tupolev trình diễn trong triển lãm hàng không Matxcơva 2007. Ảnh: Reuters. |
Đây là câu trả lời của Tehran trước các biện pháp cấm vận của Mỹ, đẩy ngành công nghiệp vận tải hàng không Iran rơi vào cảnh lạc hậu và hay xảy ra tai nạn, do các máy bay đã cũ kỹ nhưng không có phụ tùng thay thế hoặc mua mới.
Người đứng đầu ngành hàng không Iran Saeed Hesami giải thích: "Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác là mua các máy bay Nga bởi chúng tôi cần phải đáp ứng các nhu cầu vận tải đường không của đất nước. Iran sẽ không để các lệnh cấm vận của Mỹ làm tê liệt đội bay của mình".
Mỹ cấm xuất khẩu công nghệ tiên tiến tới Iran, bao gồm phụ tùng thay thế cho những chiếc máy bay chở khách Boeing đời cũ mà Iran đang khai thác. Áp lực của Washington cũng hạn chế việc chuyển giao các thiết bị từ tập đoàn chế tạo máy bay châu Âu Airbus tới Iran.
Năm 2002, bộ trưởng vận tải Iran khi đó là Ahmad Khorram tuyên bố trước quốc hội rằng, ngành công nghiệp hàng không của nước này đã chạm mức "khủng hoảng" và đang chịu ảnh hưởng nặng nề từ lệnh cấm vận của Mỹ.
Iran từng tìm cách mua những chiếc máy bay mới của Boeing và Airbus nhưng bị từ chối, buộc nước này phải chuyển sang mua hoặc thuê các phi cơ của Nga. Tháng trước, Tehran đã "chốt hạ" hợp đồng mua 5 chiếc máy bay chở khách Tupolev-204 của Nga trong triển lãm hàng không Matxcơva. Đây là loại phi cơ tiên tiến hơn Tupolev-154 mà Iran đang sở hữu.
Trong những năm gần đây từng xảy ra một số vụ tai nạn nghiêm trọng tại Iran liên quan đến các máy bay do Nga chế tạo. Đáng chú ý là vụ rơi một chiếc Ilyushin do thời tiết xấu ở vùng đồi núi phía đông nam Iran năm 2003, làm chết khoảng 300 binh sĩ lực lượng Vệ binh Cách mạng tinh nhuệ.
Các nước phương Tây chào mời sẽ bán cho Iran những chiếc máy bay mới và phụ tùng thay thế, nếu Tehran chịu ngừng các hoạt động hạt nhân mà họ nghi ngờ phục vụ cho chế tạo vũ khí. Nhưng Iran khước từ và khẳng định họ có quyền chế tạo nhiên liệu hạt nhân để phát điện.
Đình Chính (theo AP, IRNA)