"Iran không phải là nguồn cơn của sự biến động hiện tại. Chúng tôi sẽ không tự trừng phạt mình lần nữa, sau khi đã thoát các lệnh cấm vận quốc tế", ông cho biết, "Chúng tôi muốn tăng sản xuất lên mức trước khi bị trừng phạt. Khi đó, chúng ta có thể ngồi lại với nhau và bàn bạc chiến lược cho tương lai".
Thị trường dầu thế giới đang dư cung nghiêm trọng. Giá mỗi thùng đã mất gần 70% từ giữa năm 2014, đẩy nhiều nền kinh tế vào khó khăn.
Sự trở lại của Iran đã khiến tình hình thêm phức tạp. Sự thù địch của họ với Arabia Saudi, do các xung đột địa chính trị như cuộc chiến tại Syria và Yemen, càng khiến căng thẳng trong ngành dầu mỏ gia tăng.
Saudi Arabia dẫn đầu Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) trong cuộc chiến chống lại các nước sản xuất khác, không giảm sản lượng nhằm bảo vệ thị phần. Việc này lại càng khiến giá dầu giảm.
Đầu tháng này, 5 nước OPEC, gồm Saudi Arabia, Kuwait, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar và Venezuela đã đồng ý giữ sản lượng ở mức ngang tháng 1. Tuy nhiên, Iran từ chối tham gia. Tuần trước, Bộ trưởng dầu mỏ Iran - Bijan Zangeneh còn cho rằng đây là một "trò đùa".
Ông Zamaninia thì cho biết Iran vẫn quan tâm đến vấn đề dư cung. "Thỏa thuận trên là bước tiến nhỏ trong đường lối đúng đắn. Chúng tôi hy vọng OPEC có thể cùng nhau giảm sản xuất", ông nói.
Ông cũng cho biết Iran ít phụ thuộc vào dầu mỏ hơn các nước láng giềng. Họ cũng không cần đầu tư nước ngoài để tăng sản xuất lên thêm một triệu thùng mỗi ngày. Dù vậy, họ vẫn chào đón nguồn vốn ngoại để duy trì tăng trưởng trong dài hạn. "Chúng tôi kỳ vọng có thể thu hút ít nhất 40-45 tỷ USD đầu tư mỗi năm", ông cho biết.
Hà Thu (theo CNN)