"Quyết định của Hội đồng An ninh Tối cao về việc dừng tuân thủ một số cam kết của Iran trong Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA) đã được thông báo cho nguyên thủ các quốc gia vẫn tuân thủ thỏa thuận là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga", Bộ Ngoại giao Iran hôm nay thông báo, thêm rằng Thứ trưởng Ngoại giao Seyed Abbas Araghchi đã trao quyết định cho đại sứ 5 quốc gia này trong cuộc họp hôm nay.
Hội đồng An ninh Tối cao Iran cho biết Iran sẽ không tiếp tục chấp hành các giới hạn mà họ đã cam kết trong việc làm giàu uranium và nước nặng theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với các cường quốc, cho rằng biện pháp này là cần thiết để "đảm bảo quyền lợi và lấy lại cân bằng" sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận cách đây tròn một năm.
"Các bên còn lại của thỏa thuận có 60 ngày để thực hiện các cam kết của họ, đặc biệt là trong lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ", hội đồng cho biết thêm, đề cập đến cam kết của 5 cường quốc trong việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đối với Iran để đổi lấy việc họ kiềm chế các hoạt động hạt nhân.
Cuộc họp của Bộ Ngoại giao Iran diễn ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cáo buộc Tehran lên kế hoạch cho các cuộc tấn công "sắp xảy ra" nhắm vào lực lượng của Washington ở Trung Đông. Lầu Năm Góc cũng đang triển khai một nhóm tấn công tàu sân bay và một số máy bay ném bom B-52 tới khu vực, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton cảnh báo Washington sẽ đáp trả "không thương xót" bất kỳ cuộc tấn công nào của Tehran.
Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif lên án động thái triển khai lực lượng của quân đội Mỹ và nhấn mạnh rằng các hành động của Iran không vi phạm thỏa thuận hạt nhân mà nước này đã ký với các cường quốc. Ông cũng khẳng định Iran sẽ không rút khỏi thỏa thuận hạt nhân.
Thỏa thuận hạt nhân được Iran ký với 6 cường quốc gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nga, Trung Quốc vào năm 2015 là kết quả của 15 năm đàm phán ngoại giao. EU thừa nhận mối quan ngại về Iran nhưng họ tin rằng Tehran đang tuân thủ thỏa thuận và không có dấu hiệu sẽ rút khỏi JCPOA dù chính quyền Trump nhiều lần hối thúc.
Trump cho rằng thỏa thuận này rất thiếu sót khi Iran không làm gì để hạn chế chương trình tên lửa đạn đạo hoặc hỗ trợ của lực lượng ủy nhiệm trong một số cuộc chiến ở Trung Đông. Iran bác bỏ cáo buộc, khẳng định việc phát triển tên lửa đạn đạo không liên quan đến hoạt động hạt nhân, hoàn toàn nhằm mục đích tự vệ và sự hỗ trợ của họ cho các đồng minh ở Trung Đông không liên quan đến Washington.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận, Mỹ tái áp đặt lệnh trừng phạt cứng rắn đối với Iran, bao gồm ngành xuất khẩu dầu của nước này, với mục tiêu bóp nghẹt nền kinh tế Iran.
Huyền Lê (Theo AFP)