"Cách đây vài phút, tiến trình sản xuất uranium được làm giàu tới mức 20% đã bắt đầu ở khu phức hợp Fordow", phát ngôn viên chính phủ Iran Ali Rabiei nói trên truyền hình ngày 5/1.
Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) của Liên Hợp Quốc cũng xác nhận Iran đã bắt đầu quá trình làm giàu uranium tới mức tinh khiết 20% tại cơ sở Fordow.
"Iran hôm nay bắt đầu đưa U-235 làm giàu tới mức 4,1% vào 6 máy ly tâm tại Nhà máy Làm giàu Nhiên liệu Fordow để làm giàu tới mức 20%", IAEA cho biết trong thông cáo.
Động thái này là một trong những điều được đề cập trong bộ luật được quốc hội Iran thông qua hồi tháng 12/2020 nhằm đáp trả vụ sát hại Mohsen Fakhrizadeh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu của nước này. Iran cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát.
Quyết định làm giàu uranium ở mức 20% của Iran vi phạm thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) được nước này ký với các cường quốc năm 2015. Thỏa thuận nhằm kéo dài thời gian Iran cần để sản xuất đủ nguyên liệu cho một quả bom hạt nhân từ 2-3 tháng lên một năm, đổi lấy việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt quốc tế nhằm vào quốc gia Trung Đông này.
Tuy nhiên, Tehran khẳng định có thể nhanh chóng đảo ngược việc vi phạm thỏa thuận nếu các lệnh trừng phạt của Mỹ được dỡ bỏ. "Các biện pháp của chúng tôi hoàn toàn có thể đảo ngược khi tất cả bên tham gia thỏa thuận hạt nhân 2015 tuân thủ đầy đủ điều khoản", Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đăng trên Twitter.
Động thái của Iran có thể làm phức tạp thêm nỗ lực đưa Mỹ quay lại thỏa thuận của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Biden, dự kiến nhậm chức ngày 20/1, cho biết Mỹ sẽ tham gia lại thỏa thuận nếu "Iran tiếp tục tuân thủ nghiêm ngặt". Nhóm chuyển tiếp Biden từ chối bình luận về động thái tiếp tục làm giàu uranium của Iran.
Việc nối lại hoạt động làm giàu uranium diễn ra trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Iran và Mỹ trong những ngày cuối cùng Tổng thống Donald Trump tại vị. Iran dừng tuân thủ thỏa thuận hạt nhân vào năm năm 2019 nhằm phản ứng việc Trump rút khỏi hiệp định này một năm trước, đồng thời tái áp đặt các lệnh trừng phạt vốn được dỡ bỏ theo thỏa thuận.
Một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ cáo buộc Iran "tống tiền hạt nhân". Phát ngôn viên Ủy ban Liên minh châu Âu nói động thái tiếp tục làm giàu uranium của Tehran nếu được xác nhận "sẽ tạo ra khác biệt đáng kể so với các cam kết của Iran".
Katsunobu Kato, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản, nói nước này "quan ngại sâu sắc" về động thái của Iran và gọi đây là hành động "phá vỡ thỏa thuận hạt nhân". Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh yêu cầu các bên bình tĩnh, kiềm chế và "tránh thực hiện các bước đi có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng".
Iran trước đó phá vỡ cam kết chỉ làm giàu uranium tới mức 3,67% theo thỏa thuận năm 2015, song quốc gia Trung Đông chỉ tăng nồng độ uranium tinh khiết lên 4,5%, thấp hơn cấp độ vũ khí là 20-90%.
Tình báo Mỹ và IAEA cho rằng Iran triển khai chương trình vũ khí hạt nhân bí mật và dừng nó vào năm 2003. Iran tuyên bố chưa bao giờ thực hiện chương trình này.
Nguyễn Tiến (Theo Reuters)