Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Iran Behrouz Kamalvandi hôm qua tuyên bố nước này đã tăng gấp bốn lần sản lượng uranium làm giàu cấp độ thấp và sẽ sở hữu hơn 300 kg nguyên liệu hạt nhân này vào ngày 27/6. Đây được coi là hành động "phá rào" của Tehran bởi Thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 (JCPOA) quy định nước này không được sở hữu quá 300 kg uranium làm giàu dưới mức 3,67% cho đến năm 2030.
"Nếu Iran thấy các lệnh trừng phạt được khôi phục hoặc không được dỡ bỏ, chúng tôi có quyền rút một phần hoặc đình chỉ toàn bộ các cam kết của mình trong JCPOA", Kamalvandi nói và nhấn mạnh rằng các nước châu Âu "vẫn còn thời gian" để cứu vãn thỏa thuận hạt nhân bằng cách tuân thủ các cam kết và bảo vệ Tehran khỏi các lệnh trừng phạt của Mỹ.
Kamalvandi cho biết sau khi vượt giới hạn về số lượng, Iran sẽ tăng nồng độ uranium làm giàu lên 3,7%, trên mức cho phép 3,67%. Uranium làm giàu ở tỷ lệ này chỉ đủ để phục vụ hoạt động sản xuất năng lượng, không đủ để chế tạo bom hạt nhân.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus chỉ trích động thái trên của Tehran, gọi đây là hành vi "tống tiền hạt nhân". Mỹ năm ngoái đơn phương rút khỏi Thỏa thuận hạt nhân Iran, hành vi bị xem như "đổ dầu vào lửa" trước những bất ổn ở Trung Đông và vấp phải không ít chỉ trích.
Anh, Pháp và Đức lên tiếng cảnh báo Iran không nên vi phạm thỏa thuận. "Nếu Iran ngừng tuân thủ các cam kết hạt nhân, chúng tôi sẽ xem xét tất cả các lựa chọn có thể", người phát ngôn của Thủ tướng Anh Theresa May cho biết.
Bộ Ngoại giao Đức cũng kêu gọi Iran tuân thủ thỏa thuận, còn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đề xuất xem xét ngay lập tức các lệnh trừng phạt quốc tế nếu Iran hiện thực hóa lời đe dọa. "Trong mọi trường hợp, Israel không cho phép Iran có vũ khí hạt nhân", Netanyahu nói.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani hồi tháng 5 tuyên bố Iran đang giảm bớt các cam kết đối với JCPOA, nhưng không rút hoàn toàn khỏi thỏa thuận này. Ông Rouhani thời điểm đó tuyên bố Iran sẽ giữ lại lượng uranium làm giàu dư thừa thay vì xuất khẩu tới các nước khác như quy định trong JCPOA.
Căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran leo thang kể từ khi Mỹ tuyên bố rút khỏi JCPOA và áp đặt các lệnh trừng phạt với ngành dầu mỏ nước này. Mỹ gần đây cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công hai tàu dầu ở vịnh Oman hôm 13/6, nhưng Tehran phủ nhận các cáo buộc và cho rằng Washington ngụy tạo chứng cứ để đổ tội cho họ.
Dù lãnh đạo hai nước đến nay đều tuyên bố không muốn chiến tranh nổ ra, giới quan sát cảnh báo rằng xung đột Mỹ - Iran có thể nổ ra từ những sự kiện bất ngờ, đẩy Trung Đông vào vòng xoáy bất ổn mới.
Mai Lâm (Theo BBC/CNN)