Ngoại trưởng Iran hôm nay cho biết 6 cường quốc thế giới đã đạt được thỏa thuận với Iran về chương trình hạt nhân của nước này. "Chúng tôi đã đạt được thỏa thuận", AFP dẫn thông tin Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif chia sẻ trên trang Twitter cá nhân.
Các cuộc đàm phán được diễn ra nhằm hạn chế các chương trình hạt nhân của Iran, để đổi lấy lệnh nới lỏng cấm vận do Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và các nước phương Tây đưa ra.
Theo thỏa thuận, Iran cam kết sẽ không thực hiện chương trình làm giàu uranium ở mức 5% trong vòng 6 tháng, đồng thời tiến hành tháo dỡ các phương tiện kết nối kỹ thuật cho phép làm giàu uranium. Iran cũng cam kết vô hiệu hóa kho dự trữ uranium với tỷ lệ gần 20% bằng cách pha loãng với tỷ lệ dưới 5% trong vòng 6 tháng.
Nằm trong điều khoản của thỏa thuận, Iran sẽ không cài đặt thêm các máy ly tâm làm giàu uranium tại nhà máy Fordow và ngưng hoạt động các chương trình tại Natanz. Tehran cũng cam kết ngưng hoạt động lò phản ứng hạt nhân mới tại Arak và cho phép các điều tra viên của cơ quan giám sát hạt nhân IAEA tiếp cận các khu vực Fordow, Natanz.
Tuy nhiên, thỏa thuận này không cho phép Iran có quyền làm giàu uranium. Đổi lại, Iran sẽ được nới lỏng lệnh trừng phạt cấm vận và giảm bớt một số hạn chế thương mại.
Nhà Trắng cho biết cam kết này đánh dấu bước ngoặt trong tiến trình đàm phán hạt nhân với Tehran. Tổng thống Mỹ Barack Obama nhận định đây là "một bước đi đầu tiên rất quan trọng". Ông tuyên bố sẽ không có lệnh trừng phạt mới dành cho Iran trong vòng 6 tháng, nếu như thỏa thuận được công nhận và Iran tuân thủ các điều khoản mà thỏa thuận đưa ra.
Washington cũng nhấn mạnh thỏa thuận 6 tháng mang tính tạm thời và Iran phải cố gắng nhiều hơn nữa để chấm dứt lệnh trừng phạt, cũng như thuyết phục thế giới rằng quốc gia này không theo đuổi chương trình chế tạo bom hạt nhân.
Ngoại trưởng Anh William Hague cho rằng thỏa thuận về Iran là một điều đáng mừng cho cả thế giới, cho các quốc gia ở Trung Đông và đặc biệt là cho Iran.
Thông báo được đưa ra sau cuộc đàm phán kéo dài 4 ngày tại Geneva, Thụy Sĩ, giữa Iran và các nước Mỹ, Trung Quốc, Nga, Anh, Pháp và Đức, dưới sự điều hành của Catherine Ashton, Cao ủy chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU).
Đây là vòng đàm phán lần thứ ba được diễn ra ở Geneva kể từ khi ông Hassan Rouhani trở thành tổng thống Iran hồi tháng 8. Sự xuất hiện của vị tổng thống mới làm dấy lên hi vọng có thể chấm dứt tình trạng bế tắc kéo dài hơn một thập kỷ về chương trình hạt nhân của quốc gia Hồi giáo này.
Nhiều sáng kiến ngoại giao được đưa ra trong vòng 10 năm qua nhằm thuyết phục Iran hạn chế các chương trình hạt nhân, mà Tehran khẳng định là nằm trong chương trình hòa bình, nhưng bị các nước phương Tây nghi ngờ là hoạt động che đậy việc chế tạo vũ khí nguyên tử.
Thùy Linh