Tân tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad (trái) được người đứng đầu cơ quan tư pháp Mahmoud Hashemi Shahroudichúc mừng sau khi nhậm chức. |
Kế hoạch của châu Âu bao gồm công nhận quyền sử dụng năng lượng hạt nhân cho các mục đích dân sự của Iran cũng như cải thiện quan hệ thương mại giữa EU với nước này và bảo đảm nguồn nhiên liệu hạt nhân từ châu Âu và Nga. Đổi lại, Tehran phải từ bỏ vĩnh viễn việc làm giàu uranium và kế hoạch xây dựng lò phản ứng nước nặng, vốn có thể được sử dụng để làm bom nguyên tử
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Nicholas Burns đã tuyên bố Washington hy vọng Iran sẽ cân nhắc đề xuất một cách nghiêm túc và rằng Washington “hết sức ủng hộ” những nỗ lực của các quốc gia EU Anh, Pháp, Đức. Đây là một thay đổi đáng kể trong lập trường của Mỹ, vì cho tới gần đây họ vẫn phản đối việc Iran có chương trình hạt nhân dân sự của riêng mình.
Nhưng người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hamid Reza Asefi bình luận “Những đề xuất mà châu Âu đưa ra không thể chấp nhận được vì không bao gồm quyền làm giàu uranium của Iran”.
EU đã tìm một biện pháp thoả hiệp về vấn đề hạt nhân của Iran suốt 2 năm qua. Tuy nhiên những đề xuất mới của họ không có những nhượng bộ mới nào đáng kể.
Tuyên bố bác bỏ của Iran được đưa ra vào thời điểm tân Tổng thống theo đường lối cứng rắn của nước này Mahmoud Ahmadinejad tuyên thệ nhậm chức.
M.C. (theo BBC)