Apple được mệnh danh là công ty giữ bí mật giỏi nhất thung lũng Silicon. Hiếm khi họ bị rò rỉ thông tin, trừ trường hợp chính họ cố tình thông báo bóng gió cho một số blogger hay nhà báo.
Tại trụ sở ở Cupertino, California (Mỹ), các thiết bị chiến lược được kiểm soát nghiêm ngặt phía sau những cánh cửa bọc thép với mã bảo mật thay đổi vài phút một lần. Những người tham gia thiết kế, phát triển phần cứng và phần mềm hoạt động tách biệt nhau khiến ít ai có bức tranh toàn diện về sản phẩm cuối.
Ẩn đằng sau các góc khuất còn là đội ngũ bảo vệ với một nhiệm vụ duy nhất: Đảm bảo không ai nói gì. Thiết bị của Apple có sức hút đến mức giới truyền thông sẵn sàng đăng tin về chúng mà không cần được trả tiền. Do đó, việc hãng này mất khả năng kiểm soát tin tức liên quan đến sản phẩm chủ chốt có thể làm cho họ mất cả triệu USD từ việc PR miễn phí.
Cho đến nay, chiến lược marketing của Apple luôn diễn ra hoàn hảo. Người ta có thể thấy những tấm hình mờ nhạt trên website này hay một vài thông số về cấu hình sản phẩm trên trang khác, nhưng không ai thực sự dám chắc sản phẩm trông thế nào trong ngày công bố chính thức.
Nhưng trong một guồng quay hoàn hảo rồi cũng xuất hiện mắt xích bị lỗi. Bởi thế, nếu hình ảnh iPhone thế hệ bốn (iPhone 4G) đang làm "náo động" trên mạng hai ngày nay là thật thì đó thực sự là ác mộng của "Quả táo".
Câu chuyện bắt đầu từ ngày 18/3 khi chuyên gia phần mềm Gray Powell, 27 tuổi và làm việc tại bộ phận iPhone Baseband Software, uống bia và để quên chiếc iPhone bí ẩn tại một quán bar ở Redwood City. Người nhặt được thiết bị đó đã hỏi ngẫu nhiên các anh chàng say khướt ở quán rằng có phải điện thoại của họ không. Anh này cùng một người bạn đứng chờ thêm một lúc nhưng không thấy ai quay lại tìm. iPhone được bọc vỏ đen và trông không khác phiên bản 3GS. Trong lúc chờ đợi, người này còn nghịch điện thoại như thử chụp ảnh nhưng bị lỗi 3 lần còn màn hình Facebook hiện tài khoản của Gray Powell.
Khi đặt trong vỏ bọc, chiếc iPhone bí ẩn trông giống iPhone 3GS. |
Anh ta quyết định trả điện thoại vào hôm sau. Nhưng khi thức dậy vào buổi sáng, iPhone đã ngừng hoạt động bằng phần mềm vô hiệu hóa từ xa MobileMe. Khi nhìn kỹ, anh thấy điện thoại có camera ở mặt trước nên tháo vỏ ra và tưởng rằng đây là bản 3GS giả.
Vài tuần sau, máy này được bán lại cho Nick Denton, chủ sở hữu trang công nghệ Gizmodo, qua chat với giá được đồn thổi là 5.000 USD. Cuối ngày 19/4, một số trang web còn khẳng định giám đốc điều hành Steve Jobs của Apple đã gọi cho Gizmodo để xin lại thiết bị.
Hình ảnh iPhone thế hệ bốn đã làm nổ ra những tranh cãi lớn về tính thật giả. Tuy nhiên, đa số các blogger tin rằng đây thực sự là iPhone 4G. Một nhân vật có liên quan đến các kế hoạch phát triển phần cứng của Apple cũng khẳng định điều này với báo The New York Times. Đại diện của Apple, như thường lệ, từ chối đưa ra lời bình luận.
Thiết bị trông góc cạnh và mỏng hơn bản 3GS với các phím nguồn và điều chỉnh âm lượng được thiết kế khác lạ. |
"Thật hy hữu và bất ngờ", Tim Bajarin, Giám đốc công ty Creative Strategies và đã theo dõi sự phát triển của Apple suốt ba thập kỷ, thốt lên. "Apple luôn nghiêm ngặt trong việc kiểm soát thông tin về sản phẩm mới. Họ luôn che một tấm màn bí ẩn cho đến ngày công bố. Do đó, nếu những hình ảnh này là thật thì đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra".
Nhưng vẫn có người băn khoăn liệu đó có phải một nước đi mới của Apple. "Tôi hy vọng chuyện 'bỏ quên' là một phần trong kế hoạch truyền thông của Apple", Paul Saffo, cựu chuyên gia dự đoán ở Silicon Valley, nhận xét. "Nhưng tôi nghĩ việc đó khó xảy ra".
Tháng 7/2009, một công nhân làm việc tại nhà máy Foxconn (Trung Quốc) - nơi chịu trách nhiệm sản xuất iPhone - đã tự tử sau khi bị bắt giam và tra khảo vì làm mất một mẫu iPhone 4G trong quá trình vận chuyển. Foxconn không khẳng định anh này có ăn trộm iPhone hay không nhưng một số chuyên gia nhận định điện thoại của Apple có thể đang nằm trong tay một trong những công ty sản xuất hàng nhái ở Thâm Quyến.
"Bắt chước thiết kế của các mẫu thử (prototype) là vấn nạn chung của ngành công nghiệp điện tử. Thậm chí, bạn không cần ăn cắp mẫu, bạn chỉ cần mượn nó một ngày", Dane Chamorro thuộc hãng tư vấn Control Risks giải thích lý do nhiều sản phẩm chỉ mới được công bố chứ chưa hề xuất hiện trên thị trường nhưng đã bị sao chép.
Châu An (theo Gizmodo, NYTimes)