Cài đặt mới Assistive Access (Trợ năng truy cập) khi được bật sẽ thay đổi màn hình chính của iPhone và iPad thành bố cục có ít biểu tượng hơn, tập trung hơn. Người dùng có thể chọn dạng sắp xếp theo lưới 2x3 ứng dụng hoặc danh sách thông thường. Các biểu tượng cũng có độ tương phản cao, giúp dễ đọc trong khi nút quay lại có sẵn trên màn hình thay vì dùng thao tác cử chỉ như giao diện thông thường.
Các phần mềm khác cũng được tùy chỉnh riêng theo hướng tối giản như Gọi điện, FaceTime, Tin nhắn, Ảnh, Máy ảnh, Nhạc. Theo Apple, mục tiêu của bộ trợ năng là giúp tạo ra hệ thống ít gây mất tập trung hơn cho người lớn tuổi.
Hãng cũng giới thiệu tính năng Live Speech có sẵn trên iPhone, iPad và máy tính Mac. Người dùng có thể nhập liệu bằng văn bản và thiết bị sẽ giúp họ đọc to những gì muốn nói. Ngoài cuộc trò chuyện trực tiếp, Live Speech còn hoạt động với cả phần mềm Điện thoại và FaceTime.
Trong khi đó, ứng dụng Personal Voice mới cho phép người dùng tạo giọng nói kỹ thuật số cá nhân hóa. Điều này có ích cho những người không có khả năng nói hoặc có khiếm khuyết khi phát âm. Phần mềm sẽ đòi hỏi người dùng đọc một văn bản ngẫu nhiên trong khoảng 15 phút trên iPhone hoặc iPad để tạo ra giọng nói kỹ thuật số mô phỏng.
Với người dùng khiếm thị, Apple bổ sung tính năng mới Point and Speak (Chỉ và nói). Khi tích hợp vào camera trên iPhone hoặc iPad, máy quét Lidar và máy học trên thiết bị sẽ xác định vị trí đặt tay của người dùng để tìm kiếm từ, chữ cần đọc. Ví dụ, nếu người dùng cầm điện thoại lên và chỉ vào các cài đặt khác nhau trên lò vi sóng, máy sẽ đọc to các chức năng như "thêm 30 giây", "rã đông" hay "bắt đầu".
Những nâng cấp phần mềm mới cho điện thoại và máy tính bảng được Apple giới thiệu nhân Ngày nâng cao nhận thức về khả năng tiếp cận toàn cầu (GAAD) hôm 20/5. Đây là động thái cho thấy "Quả táo" luôn muốn phát triển bền vững, hỗ trợ đầy đủ cho cả những người yếu thế. Các tính năng phần mềm hỗ trợ nhận thức, giọng nói và thị giác dự kiến có sẵn trên các thiết bị của hãng cuối năm nay.