Sau khi Apple giới thiệu iPhone 5S và 5C giữa tháng 9, mẫu iPhone 5 ra mắt năm ngoái cũng chính thức bị hãng "xóa sổ" bằng cách dừng sản xuất và tung ra thị trường hàng mới. Tuy nhiên, sau hơn 2 tháng, người dùng trong nước không khó tìm được các cửa hàng rao bán iPhone 5 mới. Những quảng cáo như "hàng mới 100%", "chính hãng Apple", "bảo hành 12 tháng", cộng với mức giá chỉ từ 12 đến 13 triệu đồng, đi kèm cả nhiều gói khuyến mại như phụ kiện, phần mềm, pin dự phòng trị giá một vài triệu đồng khiến người dùng "hoa mắt".
Chờ sau khi Apple tung ra iPhone 5S và 5C, anh Quân Ngọc (Cầu Giấy, Hà Nội) mới bắt đầu tìm mua iPhone 5 với suy nghĩ bộ đôi iPhone đời mới sẽ khiến cho model đời cũ giảm giá. Thay vì 14 hay 15 triệu đồng như hồi tháng 8, anh chỉ phải bỏ ra 11, 12 triệu đồng cho một chiếc iPhone 5 bản quốc tế màu đen 16 GB được giới thiệu là hàng mới. Khi nhận máy, sản phẩm vẫn được đóng hộp nguyên seal, vỏ bọc ni lông, đầy đủ phụ kiện, sách hướng dẫn. Thậm chí, nhân viên bán hàng cũng tiến hành đầy đủ việc kích hoạt và cài đặt máy ban đầu.
Nhưng đến khi nhờ kiểm tra, anh Ngọc mới biết chiếc iPhone 5 "hàng mới" của mình chỉ còn vài tháng bảo hành trên Apple thay vì một năm như quy định. Bên cạnh đó, điện thoại và vỏ hộp được ký hiệu bên ngoài là hàng Mỹ (ký hiệu LL) nhưng sạc bên trong lại theo tiêu chuẩn của Singapore và Hong Kong (ký hiệu ZA/ZP). Quay trở lại nơi mua để phàn nàn, cửa hàng vẫn khẳng định đây là hàng mới và sẽ bảo hành 12 tháng và một đổi một trong vòng 10 ngày nếu gặp bất kỳ sự cố nào. Máy vẫn sử dụng bình thường và chưa gặp vấn đề gì nên anh quyết định vẫn giữ lại dùng.
Theo ông Đặng Quốc Tuấn, Giám đốc hệ thống iShop (Hà Nội), một đại lý chính thức của Apple, hiện giờ iPhone 5 còn hàng mới rất ít, phần lớn là hàng được phân phối chính thức tại Việt Nam bởi nhà mạng hay FPT. Mức giá gần 16 triệu đồng, gần bằng iPhone 5S khiến những sản phẩm chính hãng này bị "ế" nên còn sót lại. Trong khi loại hàng "xách tay" từ Hong Kong hay Singapore đã thành hàng hiếm, giá cũng phải trên 14 triệu đồng. Theo ông Tuấn, nếu là hàng mới 100% thì ngoài việc hộp máy còn bọc ni lông, khi kiểm tra số serial trên hệ thống của Apple sẽ nhận được thông báo sản phẩm chưa kích hoạt, còn đầy đủ một năm bảo hành chính thức từ Apple.
iPhone 5 có hình thức giống 5S mới ra nên vẫn được nhiều người chuộng và tìm mua sau khi bị dừng sản xuất. Nghĩ rằng mới dừng sản xuất chưa lâu kèm "hoa mắt" với những lời giới thiệu mập mờ là hàng mới còn sót với mức giá hấp dẫn, nhiều người đã "mắc bẫy" của nhiều cửa hàng. Thực chất, đó đều là hàng tân trang.
Một số nơi minh bạch thì sẽ giới thiệu rõ đây là hàng trôi bảo hành hoặc trả bảo hành chứ chẳng phải hàng mới, anh Định, một kỹ thuật viên chuyên sửa điện thoại, cho hay. Đặc điểm của loại hàng này là thời hạn bảo hành chỉ còn vài tháng trên hệ thống của Apple, thậm chí có khi còn hết hạn bảo hành. Hộp máy và vỏ ni lông bên ngoài được các cửa hàng tự bọc lại và bên trong phụ kiện có thể gặp tình cảnh "râu ông nọ cắm cằm bà kia" - máy Mỹ nhưng phụ kiện có thể là của thị trường châu Á...
Trao đổi với VnExpress, ông Đặng Quốc Tuấn cho biết, Apple có chính sách bảo hành một đổi một sản phẩm nên trường hợp bị lỗi hoặc hỏng sẽ được họ thu lại, sau đó sửa chữa, thay thế lại linh kiện, màn hình, pin mới cũng như làm lại hình thức, kiểm tra như máy mới sau đó trả lại người dùng. Thời gian bảo hành của máy vì thế sẽ không đủ như máy mới tinh 100%, mà nối tiếp vào sản phẩm bảo hành. Dù là máy mua tại thị trường nào, ngay cả chính hãng ở Việt Nam (ký hiệu VN), sau khi bảo hành người dùng sẽ được Apple trả lại máy là phiên bản LL (Mỹ).
Tiết lộ từ một dân buôn chuyên về điện thoại cho hay, chính nhờ có chính sách đó của Apple, giới kinh doanh điện thoại tại Hong Kong hay Trung Quốc mới có thể làm mới được một loạt iPhone cũ. Ngoài ra, họ cũng có thể gom hàng được các nhà mạng nước ngoài bán ra với mức giá rẻ. Cả hai loại hàng đều không được Apple cung cấp lại phụ kiện và vỏ hộp nên họ phải tự đóng lại hộp để tạo thành máy mới, bán giá cao hơn hàng cũ. Vì vậy, không chỉ có iPhone 5 mà cả iPhone 4S, 4 thậm chí 3GS cũng có hàng tân trang bán ra trong vài năm qua.
Cũng theo người này, nếu là hàng trả bảo hành đúng nghĩa của Apple thì chất lượng của những sản phẩm này vẫn rất tốt, chẳng khác hàng mới vì đã được hãng đảm bảo. Nhưng để giảm giá thành và tăng lợi nhuận, ngoài việc lập lờ với hàng mới, có trường hợp họ đánh tráo những linh kiện "zin" của Apple bằng các loại linh kiện không đảm bảo, chỉ giữ lại hình thức bên ngoài và đây chính là hàng dựng. Nên khi kiểm tra trên hệ thống của Apple còn nhận được thông báo số serial không tồn tại. Trên thị trường iPhone, hàng tân trang hay hàng dựng cũng được đầu mối rao với loại 1, loại 2 hay loại 3, chất lượng và giá bán sẽ khác nhau.
Một khi đã bỏ ra cả chục triệu đồng để mua iPhone hay những mẫu smartphone đời mới, tốt nhất bạn vẫn nên lựa chọn những sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và không nên ham của rẻ.
Tuấn Anh