"Tôi đã sử dụng iPhone của mình để quay quang cảnh bữa tiệc trong quán bar", người đàn ông sống tại Anh nói với Petapixel. "Lúc đầu, tôi nghĩ camera gặp trục trặc nên khởi động lại máy, nhưng không có gì khác biệt. Tôi cũng thử tải một ứng dụng chụp ảnh về thử, nhưng vô ích".
Người này sau đó nhận ra vấn đề nằm ở phần cứng, do tia laser gây ra. Sau bữa tiệc, ông đến cửa hàng sửa chữa và được kỹ thuật viên xác nhận nghi vấn. Cuối cùng, ông phải mua một chiếc iPhone 14 Pro khác.
"Tôi được tư vấn có thể mua module máy ảnh iPhone 14 Pro đã qua sử dụng với giá khoảng 50 euro (54 USD) từ cửa hàng sửa chữa. Nhưng nếu làm vậy, phần mềm Apple sẽ khóa các thành phần phần cứng và thông báo lỗi hoặc hiển thị cảnh báo", người này giải thích.
Ông cho biết đã khôi phục cài đặt gốc cho chiếc iPhone 14 Pro hỏng camera và rao bán trên mạng xã hội. Bài viết nhận nhiều bình luận, nhưng không ai muốn mua nó.
Đây không phải lần đầu camera điện thoại bị phá hỏng trong vài giây vì tia laser. Năm ngoái, một người tham dự buổi biểu diễn của ca sĩ Geolier tại Nhà hát Palapartenope ở Naples (Italy) cũng gặp vấn đề tương tự.
Tác hại của tia laser với cảm biến máy ảnh đã được cảnh báo từ lâu. Năm 2021, trên website của hãng, Sony khuyến cáo người dùng không nên để tia laser chiếu trực tiếp vào camera vì có thể khiến máy ảnh hoạt động không ổn định. Năm 2011, ba chiếc Canon 5D Mark II dùng để quay video trong một buổi hòa nhạc đã "chết" cảm biến chỉ một giây sau khi tia laser chiếu vào. Năm 2013, chiếc máy ảnh đắt tiền RED Epic trị giá 20.000 USD cũng gặp sự cố tương tự.
Theo Hiệp hội trình chiếu Laser quốc tế (ILDA), laser sử dụng trên sân khấu là chùm sáng có khả năng gây hại cho mắt cũng như cảm biến hình ảnh nếu bị chiếu trực tiếp. Do đó, mọi người nên tránh để tia này chiếu thẳng vào ống kính để hạn chế sự cố đáng tiếc.
Bảo Lâm