Tuần trước, Apple tạm dừng hoạt động các nhà máy ở Côn Sơn và Thượng Hải theo yêu cầu của giới chức địa phương trong việc phòng chống Covid-19. Giới chuyên gia đánh giá việc này sẽ tác động đến tiến độ sản xuất các thiết bị Apple. Ngày 18/4, khu vực gần nhà máy Foxconn ở Thâm Quyến tiếp tục bị phong tỏa để kiểm soát dịch bệnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất iPhone.
"Từ đầu tuần này, các nhà máy đã bắt đầu sản xuất thử nghiệm iPhone 14. Dự kiến việc sản xuất hàng loạt sớm bắt đầu trong thời gian tới để sản phẩm kịp ra mắt vào tháng 9. Tuy nhiên, việc phong tỏa sẽ kéo dài ít nhất 21 ngày, đồng nghĩa iPhone 14 có thể trễ hẹn với người dùng", Sina nhận định.
Theo trang này, hiện tại người dân quanh khu vực nhà máy Foxconn ở Thẩm Quyến phải ở yên trong nhà, không được ra ngoài. Các nhà máy đang trong tình trạng dừng hoạt động. Tháng trước, nhà máy Foxconn cũng đóng cửa để kiểm soát dịch bệnh, nhưng hai ngày sau đó đã được phép hoạt động trở lại. Công nhân phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định y tế và buộc phải ở lại luôn trong nhà máy.
Apple đã cắt giảm sản lượng khoảng 10 triệu chiếc iPhone 13 và iPhone SE 3. Mẫu iPhone 13 màu xanh vừa ra mắt cũng có thể đối mặt tình trạng khan hàng. "Kể cả khi Apple công bố iPhone 14 vào tháng 9 năm nay, phải đến tháng 11 sản phẩm mới có thể được bán trên thị trường. Lượng hàng đầu tiên sẽ rất ít, có thể gây tăng giá do nguồn hàng khan hiếm", một chuyên gia dự đoán.
Trong khi đó, 9to5Mac dẫn lời Eddie Han, nhà phân tích cấp cao tại Isaiah Research, rằng: "Những biện pháp phong tỏa chống dịch đã làm tắc nghẽn khắp các tuyến cao tốc và bến cảng. Công nhân bị mắc kẹt và nhiều nhà máy đang chờ chính phủ phê duyệt để mở cửa trở lại. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chuỗi cung ứng toàn cầu".
Theo ông Han, trong trường hợp xấu nhất, việc phong tỏa có thể kéo dài hai tháng và các đối tác không thể hoạt động bình thường khiến iPhone thế hệ mới có thể bị cắt giảm sản lượng 6-10 triệu chiếc.
Trên Twitter cá nhân, nhà phân tích Ming-Chi Kuo cho hay Apple đang tìm cách đàm phán với chính phủ Trung Quốc để mở lại các nhà máy. Tuy nhiên, chưa rõ liệu chính quyền địa phương có đồng ý với những đề xuất hãng đưa ra.
Foxconn thành lập nhà máy đầu tiên ở Thâm Quyến năm 1988, giai đoạn cao điểm có 200.000 công nhân tại đây. Nhà máy Longhua và Guanlan là nơi sản xuất iPhone, iPad và một số sản phẩm khác của Apple. Ngoài Foxconn, Thẩm Quyến còn là nơi đặt trụ sở và nhà máy của nhiều công ty lớn như Huawei, DJI và Tencent.
Theo Fortune, việc phong tỏa có thể gây gián đoạn lớn về chuỗi cung ứng, tác động tiêu cực với các công ty công nghệ. Tháng 6 năm ngoái, khi Trung Quốc phong tỏa Thâm Quyến một tháng, cảng Yantian cũng tồn đọng một lượng lớn hàng hóa. Số hàng này sau đó phải mất nhiều tháng mới xử lý hết. Theo một đại diện của hãng vận tải Maersk, việc đóng cảng Yantian "gây gián đoạn ở mức nghiêm trọng hơn nhiều so với việc tàu Ever Given bị mắc kẹt ở kênh đào Suez".
Khương Nha