Huawei vừa trình làng dòng Mate 40 với bốn phiên bản, gồm Mate 40, 40 Pro, 40 Pro+ và Mate 40 RS hợp tác cùng Porsche Design, tất cả đều hỗ trợ 5G. Trước đó, Apple cũng ra mắt loạt iPhone 12 với iPhone 12 mini, 12, 12 Pro và 12 Pro Max, cũng đều có mặt của 5G.
Trung Quốc vẫn đang là chiến trường cực kỳ quan trọng của cả Huawei lẫn Apple. Các nhà phân tích ước tính, 1/4 hoặc 1/3 doanh số iPhone 12 sẽ đến từ "thị trường tỷ dân". Trong khi với Huawei, quê nhà là nơi để đẩy mạnh doanh số smartphone, nhất là sau khi lệnh cấm của Mỹ khiến hãng gặp nhiều khó khăn trong việc kinh doanh điện thoại bên ngoài Trung Quốc.
"Trái tim" của dòng Mate 40 mới mà Huawei mới trình làng là chip Kirin 9000 5G hàng đầu do hãng tự thiết kế, với modem 5G tích hợp sẵn cùng vi xử lý trên chip. Chip mới được sản xuất bởi TSMC (Đài Loan) trên tiến trình 5nm mới nhất. Việc kết hợp bộ xử lý và modem vào làm một là yếu tố giúp tiết kiệm điện năng và không gian, từ đó dành chỗ cho các thành phần khác như pin. Những con chip dạng này cũng được đánh giá là khó phát triển hơn so với đặt rời vi xử lý và modem 5G.
Trong khi đó, loạt smartphone của Apple cũng chạy chip A14 Bionic sản xuất trên tiến trình 5nm, nhưng kèm theo modem 5G riêng biệt. Một số chuyên gia trong ngành cho rằng, Huawei đang dẫn trước đối thủ đến từ Mỹ về 5G trên thiết bị mới, ít nhất là dựa trên công nghệ chip tích hợp 5G. Thực tế, Huawei cũng dẫn đầu về smartphone 5G, khi đã ra mắt thiết bị có mạng này từ 2019. Trong khi đó, iPhone 12 là smartphone đầu tiên của Apple có 5G.
Tại sự kiện ra mắt Mate 40, Richard Yu, Giám đốc mảng kinh doanh và tiêu dùng của Huawei, nhấn mạnh những tính năng vượt trội của chip Kirin 9000. Ông cho biết, chip mới có 15,3 tỷ bóng bán dẫn, nhiều hơn 30% so với bộ vi xử lý A14 của Apple. "Kirin 9000 là bộ xử lý phức tạp nhất và mạnh mẽ nhất trên thế giới", Yu cho biết.
Cũng theo Yu, Balong 5G - chip 5G tích hợp trong Kirin 9000 - có thể hỗ trợ tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn so với các sản phẩm mạnh nhất từ Qualcomm. Sức mạnh xử lý AI và xử lý đồ họa của Kirin 9000 trên dòng Mate 40 cũng vượt trội so với những sản phẩm cao cấp sử dụng chip mạnh nhất của Qualcomm là Snapdragon 865.
Nhưng, lần ra mắt smartphone Mate lần này của Huawei diễn ra trong bối cảnh công ty đang chống chịu hàng loạt lệnh trừng phạt từ Mỹ.
Những thông tin trước đó cho thấy, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump cấm các công ty Mỹ hoặc có liên quan đến Mỹ làm ăn với Huawei khiến việc sản xuất chip của công ty bị ngưng trệ. Theo một số nguồn tin, Huawei hiện có ít hơn 20 triệu đơn vị chip Kirin 9000 5G trong kho. TSMC - đối tác sản xuất chip của Huawei - cũng chỉ cung ứng được gần 9 triệu đơn vị chip Kirin, do trong dây chuyền của công ty Đài Loan này có sử dụng công nghệ Mỹ.
Ông Yu hồi tháng 8 thừa nhận Kirin 9000 có thể là chip cao cấp cuối cùng mà công ty sản xuất. HiSilicon - công ty chuyên sản xuất linh kiện bán dẫn cho Huawei - cũng đối mặt với nguy cơ ngừng hoạt động dù đã được công ty mẹ dành 10 năm qua để xây dựng đội ngũ, cũng như đầu tư nhiều tiền của.
"Huawei đang phải gánh chịu làn sóng cấm vận lần thứ ba của chính phủ Mỹ. Những lệnh cấm bất công này khiến chúng tôi lâm vào cảnh vô cùng khó khăn", Yu nói trong sự kiện ra mắt Mate 40. "Nhưng dù khó khăn đến đâu, chúng tôi vẫn cam kết đổi mới, vẫn sẽ chứng minh rằng chúng tôi đang nắm trong tay công nghệ tốt nhất để phục vụ mọi người".
Guo Ping, Chủ tịch luân phiên của Huawei, cho biết vào tháng 9 rằng, công ty vẫn đang tìm kiếm các giải pháp để tìm đủ chip và linh kiện cho các hoạt động kinh doanh smartphone của mình. Bất chấp áp lực từ Mỹ, ông cho biết mẫu Mate 40 Pro sẽ có sẵn cho thị trường quốc tế, cũng như trong nước khi bán ra.
Quay lại các thông số giữa Mate 40 và iPhone 12. Cả hai công ty đều trang bị màn hình OLED trên sản phẩm của mình, hỗ trợ sạc không dây. Tuy nhiên, giá bán của dòng Mate mới của Huawei đắt hơn. Bản có thông số thấp nhất - Mate 40 - có giá 1.065 USD, chỉ thấp hơn một chút so với mức khởi điểm 1.099 USD của iPhone 12 Pro Max. Mẫu 40 Pro có giá hơn 1.400 USD, còn 40 Pro+ có giá 1.600 USD. Phiên bản đặc biệt Mate 40 RS chưa được công bố giá, nhưng nhiều khả năng sẽ cao hơn nữa.
Tuy nhiên, sự hào hứng của người dùng với iPhone 12 đang tăng cao tại Trung Quốc.
iPhone 12 đang có doanh số khởi đầu đầy hứa hẹn tại Trung Quốc. Từ ngày 16 đến 20/10, đã có hơn 152.000 đơn đặt hàng iPhone 12 và 12 Pro (hai trong bốn model bán đợt đầu), theo dữ liệu từ Fenqile - một đại lý ủy quyền của Apple tại Trung Quốc. Trên các nền tảng thương mại điện tử khác, như JD.com hay Tmall, tình trạng "cháy hàng" đã diễn ra. JD.com đã bán hết hàng, trong khi Tmall quy định mỗi người chỉ mua hai chiếc iPhone 12 thay vì nhiều hơn.
Các chuyên gia đánh giá, doanh số bán hàng của hãng tại Trung Quốc về cơ bản không bị ảnh hưởng bởi xu hướng "chi tiêu tiết kiệm" của người tiêu dùng Trung Quốc - những người muốn chuyển sang các thương hiệu nội địa trong bối cảnh căng thẳng Trung - Mỹ gia tăng.
Theo Neil Shah, phó chủ tịch của Counterpoint, gần một nửa số smartphone bán ra vào tháng 7 tại Trung Quốc được trang bị 5G. "Những ai muốn chuyển từ iPhone sang các thương hiệu nội địa, họ có thể đã làm từ năm ngoái, khi thương chiến diễn ra", Shah nói. "Họ chờ đợi iPhone có 5G".
Cũng theo Shah, thực tế chứng minh rằng iPhone SE đã có doanh số khá tốt ở Trung Quốc. Tổng thể, số liệu của Counterpoint cho thấy, Apple đã bán được 7,4 triệu iPhone tại Trung Quốc từ tháng 3 đến tháng 6, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.
Ở chiều ngược lại, những người hâm mộ Huawei cũng đang rất muốn sở hữu một chiếc smartphone chạy chip Kirin. Nhu cầu về điện thoại chạy chip này đã tăng cao kể từ khi công ty xác nhận rằng chúng "không thể được sản xuất" sau khi Huawei bị Mỹ liệt vào "danh sách đen" từ 15/9.
Theo số liệu từ Zhuanzhuan, một trong những chợ đồ cũ trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc, giá bán của Mate 30 và Mate 30 Pro ra mắt năm ngoái trên thị trường thứ cấp đã tăng trung bình hơn 10% trong giai đoạn tháng 6 đến tháng 9 năm nay. Đây được xem là xu hướng hiếm thấy trên thị trường smartphone.
Joey Yen, nhà phân tích của IDC, cho rằng xu hướng trên có thể đến từ tâm lý người dùng. "Họ xem những chiếc điện thoại này như một món đồ sưu tập hơn là sử dụng chúng. Có thể họ suy nghĩ rằng chúng sẽ không còn được sản xuất nữa", Yen giải thích. "Đây là sự thúc đẩy trong ngắn hạn. Về lâu dài, Huawei vẫn cần các linh kiện điện tử quan trọng để duy trì hoạt động kinh doanh của mình".
Jeff Pu, một nhà phân tích kỳ cựu của GF Securities, dự đoán nhu cầu về dòng Mate 40 mới cũng sẽ rất cao, đặc biệt là ở Trung Quốc. "Các tính năng điện thoại của Huawei rất cạnh tranh so với iPhone mới. Chắc chắn, doanh số bán hàng của thiết bị này sẽ rất tốt và có thể sớm hết hàng", Pu nhận định. "Nhưng vấn đề quan trọng, là Huawei không có nguồn chip để tạo ra nhiều thiết bị như vậy".
Pu ước tính, Huawei sẽ chỉ sản xuất ít hơn 10 triệu Mate 40 kể cả khi nhu cầu thị trường cao hơn, do thiếu chip Kirin 9000. Trong khi đó, giới chuyên gia dự đoán iPhone có thể đạt doanh số 80 triệu chiếc.
Ngoài ra, chuyên gia của GF Securities cũng cho rằng việc kinh doanh của Huawei bên ngoài Trung Quốc sẽ gặp nhiều khó khăn. Trong năm tới, công ty có thể sẽ chỉ đạt doanh số 50 triệu máy, thấp hơn nhiều so với 180 triệu máy của 2019, nếu như Mỹ không nới lỏng lệnh cấm.
"Huawei đã trở nên thận trọng hơn nhiều trong việc kinh doanh smartphone. Giờ đây, họ cần tiết kiệm tài nguyên nếu đặt hy vọng tồn tại lâu dài hơn một chút", Pu nói thêm.
Bảo Lâm (theo Nikkei)